BIDV bất ngờ cắt giảm tỷ lệ chia cổ tức vào phút chót

(Dân trí) - Cổ đông của BIDV cảm thấy bất ngờ khi nhận được thông báo vào sát thời điểm đại hội cổ đông sáng nay về mức cổ tức 8,5%, chứ không phải 9% như kế hoạch đã đề ra.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) vừa công bố tài liệu chính thức phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào sáng nay 24/4.

Về việc phân phối lợi nhuận năm 2015, theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tỷ lệ chi trả cổ tức là trên 9%. Tuy nhiên theo tài liệu gửi đến cổ đông tại đại hội năm nay, mức chi trả cổ tức của BIDV đã giảm xuống còn 8,5%, thay cho mức trên 9% như kế hoạch đã thông qua tại đại hội thường niên năm 2015.

Cùng với đó, hình thức chi trả cổ tức là phát hành cổ phần, chứ không phải chi trả bằng tiền mặt.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Và một điều đáng lưu ý là, theo tài liệu vừa công bố, năm 2016, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến giảm còn 7%. Năm nay, BIDV đề ra mục tiêu nguồn vốn huy động tăng trưởng 22% (tương đương số tiền 803.000 tỷ đồng); Dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 18 - 20%; Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.900 tỷ đồng.

Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông vì sao ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt và cao như kế hoạch dự kiến ban đầu, đại diện BIDV cho hay: Về việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phiếu BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phiếu chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ được mức cổ tức như ban đầu.

Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9,4 nghìn tỷ trong năm nay của ngân hàng sẽ rất khó. Do đó, theo lãnh đạo BIDV đánh giá, mức chia cổ tức theo tỷ lệ 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Trong chương trình đại hội sáng nay, BIDV cũng lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay. BIDV cho rằng, việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch tăng vốn tự có tổng thể của ngân hàng là nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hướng tới đáp ứng thông lệ quốc tế theo Basel II. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ, ngân hàng có thể sẽ cân đối tăng bổ sung một phần vốn tự có từ phát hành trái phiếu tăng vốn.

Cụ thể, trong năm nay, BIDV dự kiến gia tăng vốn điều lệ từ 3 nguồn: Phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi; Phát hành trái phiếu chuyển đổi; Phát hành cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị dự kiến là 9.446 tỷ đồng. Trong đó 2 phương án đầu sẽ trình khi phát hành cụ thể.

Hiện vốn điều lệ của BIDV đang ở mức 34.187 tỷ đồng, dự kiến sau khi phát hành vốn tăng lên 43.633 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch tăng vốn lần này của BIDV là không có sự tham gia của cổ đông Nhà nước. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2015, vốn của Nhà nước tại BIDV chiếm tỷ lệ 95,28% vốn của ngân hàng này, tương đương 30.000 tỷ đồng (số vốn điều lệ tại thời điểm đó là 31.481 tỷ đồng).

Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) tính theo Thông tư 36 của BIDV chỉ hơn 9% do ngân hàng chưa tăng vốn cấp 1 trong 2015.

Vào đầu 2015, BIDV có vẻ khá lạc quan về kế hoạch tăng vốn cấp 1 của mình thông qua phát hành phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cuối cùng ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu.

“Hiện BIDV không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng cho vay khách hàng trong năm nay do ngân hàng không thể phát hành thêm nhiều vốn cấp 2 mà không tăng vốn cấp 1. Theo đó BIDV cần nhanh chóng tăng vốn cấp 1 bằng không tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 sẽ rất kém” HSC bình luận.

Theo dự kiến, đại hội cổ đông năm nay của BIDV cũng sẽ được “hâm nóng” với những chất vấn của cổ đông xung quanh những yếu kém trong hoạt động kinh doanh, thanh khoản, đặc biệt là khoản dư nợ 10.664 tỷ đồng của bầu Đức.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong số 27.099 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, BIDV chiếm tỷ lệ lớn nhất với 10.664 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 1.896 tỷ đồng, cho vay dài hạn là 2.868 tỷ đồng, còn lại là cho vay thông qua mua trái phiếu.

Theo đó, kiểm toán viên cho rằng, HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này.

Nguyễn Hiền

BIDV bất ngờ cắt giảm tỷ lệ chia cổ tức vào phút chót - 2