Bị Moody hạ bậc tín nhiệm, trái phiếu ngoại tệ của Việt Nam vẫn đắt hàng

(Dân trí) - Mặc dù bị cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody hạ bậc tín nhiệm nhưng trái phiếu quốc tế phát hành bằng USD của chính phủ Việt Nam vẫn đang hút nhà đầu tư với lợi suất thấp kỷ lục.

Thông tin trên vừa được hãng tin Bloomberg đăng tải. Theo đó lợi suất trung bình của trái phiếu chính phủ phát hành bằng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,09% trong ngày 9/10. Điều đó có nghĩa là niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng trả nợ của Việt Nam đang tăng lên. 
Trái phiếu chính phủ Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Trái phiếu chính phủ Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Đây được xem như diễn biến có phần bất ngờ bởi mới hôm 28/9, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody đã tuyên bố hạ bậc tín nhiệm nợ của Việt Nam từ mức B1 xuống B2. Lí do cơ quan này đưa ra đó là nguy cơ chính phủ phải chi ra một số tiền lớn để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Điều này được Moody cho là sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của chính phủ. Ngoài ra triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam yếu đi. 

Trong khi đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế khác là S&P hôm 26/9 lại đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm và điều chỉnh mức xếp hạng rủi ro từ mức 10 (rủi ro nhất) xuống mức 9. 

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, quỹ đầu tư Pictet Asset Management, đơn vị nắm giữ hơn 23 tỷ USD trái phiếu các thị trường mới nổi tại châu Á, khẳng định có kế hoạch tăng mua vào đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam. Trong khi đó quỹ Aberdeen Asset Management Plc khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các khoản đầu tư của mình. 

“So với một năm trước, những tiến triển tại Việt Nam khá tốt, nhất là về kinh tế vĩ mô”, Wee-Ming Ting, người đứng đầu bộ phận đầu tư trái phiếu của Pictet khẳng định. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra với ngành ngân hàng”. Trong năm ngoái, trái phiếu niêm yết bằng USD của chính phủ Việt Nam đã đem lại cho các nhà đầu tư mức lợi tức lên tới 26%, cao nhất trong số 11 quốc gia được HSBC theo dõi. 

Theo Bloomberg, việc chính phủ Việt Nam triển khai chiến lược kiểm soát giá cả, hạn chế tăng trưởng tín dụng hồi tháng tháng 2/2011 đã giúp ổn định tiền tệ. Từ đầu năm đến nay đồng Việt Nam đã tăng giá 1% sau khi mất giá 26% chỉ trong 4 năm trước đó.  

Lạm phát tính theo năm cũng hạ nhiệt từ mức hơn 23% hồi tháng 8/2011 xuống 6,48% trong tháng 9 vừa qua. Tác giả bài báo cũng dẫn lại nhận định của ngân hàng phát triển châu Á ADB hôm 3/10 rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên tương đương 2,4 tháng nhập khẩu. 

Dù vậy so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang phải vay vốn với chi phí cao hơn khá nhiều. Lợi tức trái phiếu USD của chính phủ Việt Nam đáo hạn tháng 1/2020 trong ngày 9/10 ở mức 4,597%. Trong khi các loại trái phiếu kỳ hạn tương tự của Philippines và Indonesia có lợi tức lần lượt 2,19% và 2,71%. Mức xếp hạng tín nhiệm của Moody với 2 quốc gia này lần lượt cao hơn Việt Nam 3 và 5 bậc. 

Trả lời Bloomberg ngày 8/10, ông Art Woo, giám đốc khu vực châu Á của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch khẳng định có thể sẽ không thay đổi nhận định về Việt Nam trong vòng 12 tới 24 tháng tới sau khi đưa ra đánh giá triển vọng “ổn định” hồi tháng 5. 

“Chúng tôi cho rằng lĩnh vực ngân hàng vẫn còn yếu. Tình trạng nợ xấu cần có thời gian để cải thiện. Chúng tôi cũng ghi nhận thực tế rằng các cơ quan chức năng trong một vài năm gần đây đã cố gắng khắc phục những mất cân đối trong kinh tế vĩ mô”, ông Woo nói.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg