Bí ẩn bà chủ Lã Vọng chưa từng lộ diện, đại gia Đặng Hoàng Yến mất hút
Nhiều tên tuổi doanh nhân được nhắc tới tuần qua như Đặng Thành Tâm, Đặng Thị Hoàng Yến, Hồ Văn Dũng,…
Đấu giá lâu đài 10 triệu USD
Đại gia Đường bia cho biết sẽ công khai tổ chức đấu giá toà lâu đài “độc nhất vô nhị trên thế giới” đang được xây dựng gần bãi biển An Bàng ở Hội An.
Theo tiết lộ, lâu đài có diện tích sử dụng 500m2, có một tầng hầm và ba tầng cao, với điểm đặc biệt chưa từng có là mái được lợp bằng ngói phủ vàng 24K.
Các thiết bị nội thất như bồn tắm, chậu rửa mặt, van vòi hoa sen, gạch ốp lát … đều được phủ vàng ròng theo công nghệ của Đức với giá trị mỗi thiết bị có thể lên đến 100.000 USD.
Chủ đầu tư sẽ trang bị đầy đủ nội thất cho toà lâu đài, trong đó sử dụng hoàn toàn bát đĩa, dao dĩa, ấm chén mạ vàng ròng 24K.
Toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá lâu đài dát vàng sẽ được sử dụng để gây quỹ từ thiện khắc phục hậu quả chiến tranh do ông Đường sáng lập. Quỹ này sẽ hỗ trợ các thương binh trước tiên ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt, giá khởi điểm lâu dài này là 10 triệu USD. Hiện lâu đài đang được xây dựng đến tầng 2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới sẽ được đem ra đấu giá.
Ông chủ của căn biệt thự là người rất chơi ngông với loạt công trình dát vàng. Ông cho biết, ông đã đi nhiều nước trên thế giới và nhận thấy, nếu như Khách sạn Swisshorn Gold Palace tại Hồng Kông chỉ phủ vàng nội thất; Khách sạn Trump International tại Lasvegas chỉ phủ vàng bên ngoài.
Khách sạn 7 sao Buji Al-Arab tại Dubai chỉ phủ vàng hành lang và thang máy thì ở dự án của phủ vàng từ nội thất đến ngoại thất tòa nhà.
Asanzo của ông Phạm Văn Tam bị tố hàng Tàu đội lốt
Mấy ngày gần đây, thông tin cáo buộc sản phẩm của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng Việt.
Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Asanzo được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đây là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo.
Chủ đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Asanzo khi đó là ông Phạm Văn Tam, góp vốn 90 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 90%). 10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm hai tổ chức CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo; ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình.
Từ một doanh nghiệp "vô danh tiểu tốt", Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam. Có được điều này là nhờ công lao của ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo.
Hôm 21/6, trước nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam", ông Phạm Văn Tam cho biết sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam, Vietnamnet đưa tin.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức việc đó nên chỉ ghi "Xuất xứ Việt Nam" thay vì "Made in Việt Nam" trên sản phẩm của mình.
Bà chủ Lã Vọng chưa từng lộ diện
Nữ doanh nhân Đặng Thị Lý (SN 1954) quê ở Thanh Hóa. Là doanh nhân sở hữu cả nghìn tỷ đồng, song bà Lý chưa một lần xuất hiện trước truyền thông. Theo dữ liệu, bà Đặng Thị Lý cùng hai ông Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Vân là những cổ đông sáng lập Công ty cổ phần đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An vào tháng 6/2014.
Tháng 5/2018, Công ty Đại An tăng vốn điều lệ lên 1.450 tỷ đồng, trong đó bà Đặng Thị Lý đăng ký góp 1.301 tỷ đồng (tương đương 89,76%). Dù nắm cổ phần chi phối, song nữ doanh nhân Xứ Thanh không hề quản lý Công ty Đại An, mà giao mọi “trọng trách” cho ông Nguyễn Văn Quang. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì nhóm cổ đông sáng lập Công ty Đại An trong đó có cả bà Đặng Thị Lý đã thoái toàn bộ vốn.
Ngoài Công ty Đại An, doanh nhân Đặng Thị Lý còn là cổ đông lớn nắm quyền chi phối, với 81,98% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Louis – Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 2/2016, với 5 cổ đông sáng lập gồm: Đinh Thị Liên, Đặng Thị Lý, Lê Văn Vọng, Lê Văn Hải và Dương Thị Nhàn.
Nữ doanh nhân Đặng Thị Lý còn sáng lập ra Công ty TNHH đầu tư và thương mại Anh Kiệt. Công ty này từng được giao cho nữ doanh nhân Hoàng Thị Tuyết (SN 1990) quản lý.
Đặng Thành Tâm hiện giờ ra sao?
Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty CP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT). Theo BCTC hợp nhất quý I/2019 mới được công bố thì cả 2 công ty này đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.
Ngoài ra, ông Đặng Thành Tâm còn là cổ đông của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) khi sở hữu hơn 29 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 3,1%.
Được biết, trong nhiều phiên họp thường niên các năm trước đây của Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến liên tục vắng mặt một cách bí ẩn dù vẫn ký các văn bản của Hội đồng quản trị, người thay thế vị trí chủ tọa của bà Yến là ông Đặng Thành Tâm. Đáng chú ý, công ty của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến hiện đang có ý định rút vốn tại Việt Nam để đầu tư hàng triệu USD vào thị trường Hoa Kỳ.
Nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến mất hút
Trong nhiều phiên họp thường niên các năm trước đây, bà Đặng Thị Hoàng Yến liên tục vắng mặt một cách bí ẩn dù vẫn ký các văn bản của Hội đồng quản trị, người thay thế vị trí chủ toạ của bàn Yến là ông Đặng Thành Tâm.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA của Tân Tạo hiện chỉ còn giá 3.000 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 1% giá trị vào phiên cuối tuần 14/6. Tuy nhiên, mã này có thanh khoản khá tốt với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu cổ phiếu cũng trong phiên vừa rồi.
Tại thời điểm cuối năm 2018, Tân Tạo có 3 cổ đông lớn là Công ty CP Tập đoàn Tân Tạo sở hữu 15,02% cổ phần, Công ty CP Đại học Tân Tạo sở hữu 7,42% cổ phần và bà Đặng Thị Hoàng Yến sở hữu 5,79% cổ phần. Tại đây, tỷ lệ cổ phần mà ông Đặng Thành Tâm (em trai bài Yến) nắm giữ là 3,1%.
Eximbank hủy đại hội cổ đông
Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 35 của Eximbank, tổ chức lần thứ 3 trong năm 2019 của Eximbank, đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định. Theo đó, có đến 230 cổ đông tham gia, đại diện cho 94,03% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, khi bỏ phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp Đại hội của Eximbank, chỉ 39,85% cổ đông đồng ý thông qua quy chế, trong khi có đến 55,09% không đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc Đại hội cổ đông lần thứ 2 trong năm không thể diễn ra (trước đó không tổ chức được vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự).
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban Kiểm soát, sau đó xin ý kiến cổ đông, đề nghị chỉ ra những gì không đồng ý để sửa lại để đại hội được phép diễn ra. Một số cổ đông cho rằng cần xem xét bầu lại chủ tọa Đoàn vì mỗi lần tổ chức đại hội rất khó.
Đại diện của SMBC, cổ đông Nhật Bản, bình luận, tỷ lệ này cho thấy đại hội không có sự tin tưởng với chủ tọa đoàn. Tuy nhiên, đại diện SMBC vẫn ủng hộ tiến hành đại hội với điều kiện cho phép cổ đông quyền bầu lại vị trí Chủ tịch (mà vị trí thích hợp là Phó Chủ tịch), cho phép cổ đông kiến nghị chương trình họp. “Trước đó, SMBC kiến nghị 3 lần nhưng chưa được chấp nhận”, đại diện SMBC cho biết.
Sếp Sông Đà lương chót vót
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2018 của Tổng công ty Sông Đà (SJG) cho thấy, doanh nghiệp đình đám ngành xây dựng một thời chỉ lãi ròng 27,4 tỷ đồng, đạt 15% kết quả năm. Mức lợi nhuận được cho cực kỳ khiêm tốn với doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 15.652 tỷ đồng, vốn sở hữu trị giá hơn 4.517 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của SJG chỉ đạt 0,05%, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản chỉ đạt 0,01%.
Mặc dù kết quả kinh doanh yếu kém, không đạt kế hoạch nhưng thù lao của lãnh đạo SJC vẫn không thay đổi.
Theo báo cáo, năm 2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị SJC, ông Hồ Văn Dũng nhận lương 52,7 triệu đồng/tháng, tương ứng với 632 triệu đồng/năm. Ông Dũng là người đại diện phần vốn nhà nước tại SJG. Trong khi đó, 4 thành viên Hội đồng quản trị mỗi người được nhận 45,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 550 triệu đồng một năm.
Theo Bảo Anh
VietnamNet