ĐHCĐ năm 2019 của Eximbank lần thứ 2 tiếp tục điệp khúc... "bất thành"
(Dân trí) - Đại hội cổ đông thương niên lần thứ 35 của Eximbank, tổ chức lần thứ 2 trong năm 2019 đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu thông qua quy chế tiến hành họp Đại hội của Eximbank, có đến 55,09% không đồng ý nên đại hội không thể diễn ra.
Ngày 21/6, tại TPHCM, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tiến hành Đại Hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019.
Đại hội tổ chức lần thứ 2 trong năm 2019 của Eximbank đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định. Theo đó, có đến 230 cổ đông tham gia, đại diện cho 94,03% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Dự đại hội rất đông nhưng các cổ đông Eximbank chia làm 2 nhóm tranh cãi lẫn nhau về vị trí chủ tọa đoàn, trong đó có cả cổ đông Nhật Bản SMBC cũng bức xúc lên tiếng.
Sau màn tranh cãi về tư cách chủ tọa đoàn và được giải đáp từ các bên, ĐHCĐ 2019 Eximbank lần thứ 2 tiếp tục tiến hành thông qua nội dung 1 với chủ tọa đoàn như công bố ban đầu được giữ nguyên.
Do các nhóm cổ đông không đạt tỷ lệ đồng ý thông qua nội dung về Quy chế tiến hành họp, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban Kiểm soát nêu ý kiến "ngân hàng đã bỏ rất nhiều tiền bạc công sức vào đây, nếu dừng rất đáng tiếc". Các cổ đông, đại diện các nhóm cổ đông tiếp tục có ý kiến tranh cãi về tư cách Chủ tọa đoàn, bầu thêm Thành viên Đoàn Chủ tọa Đại hội hay HĐQT cũ, mới...
Tuy nhiên, điều không mong đợi cũng đã đến khi kết quả bỏ phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp Đại hội của Eximbank chỉ có 39,85% cổ đồng đồng ý thông qua quy chế, trong khi có đến 55,09% không đồng ý. Điều này đồng nghĩa với việc Đại hội cổ đông lần thứ 2 trong năm không thể diễn ra.
Trước đó, đại hội cổ đông của Eximbank cũng không tổ chức được vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.
Sau bỏ phiếu thông qua Quy chế tiến hành họp Đại hội, các nhóm cổ đông tiếp tục có ý kiến về vị trí chủ toạ đoàn.
Đại diện của SMBC, cổ đông Nhật Bản bình luận tỉ lệ này cho thấy đại hội không có sự tin tưởng với chủ tọa đoàn. SMBC cho biết ủng hộ tiến hành đại hội nhưng với điều kiện, bao gồm cho cổ đông quyền bầu lại vị trí Chủ tịch mà vị trí thích hợp là Phó Chủ tịch, cho phép cổ đông kiến nghị chương trình họp.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank vừa được bổ nhiệm hồi tháng 5, cho biết theo thể thức tiến hành ĐHCĐ, các ý kiến muốn thay đổi nội dung đại hội phải được trình 3 ngày trước khi diễn ra Đại hội, hoặc phải được 100% cổ đông tham gia đồng ý.
Nhiều tranh cãi nảy lửa cũng đã diễn ra ngay từ đầu buổi họp, trong đó có các ý kiến trái chiều về tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT, nhiều ý kiến đòi phải bầu đại diện khác lên thay.
Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường (đã mất), đứng lên nêu những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ của tập đoàn gia đình Hoàn Cầu.
Nội dung phát biểu không chỉ nói về những mâu thuẫn nội bộ gia đình, mà còn liệt kê nhóm cổ đông lớn này nắm giữ số cổ phần là bao nhiêu trong ngân hàng Eximbank. Nhiều cổ đông đứng lên phản đối đòi chấm dứt bài phát biểu.
“Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, HĐQT không có thẩm quyền xử lý nhưng sẽ hợp tác với cơ quan chức năng khi cần thiết. Tỉ lệ sở hữu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông đang ngồi đây”, ông Nguyễn Cảnh Vinh phản hồi.
Sau nhiều ý kiến, ông Cao Xuân Ninh, người vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nói rằng, cảm thấy xấu hổ khi để cho tình trạng lộn xộn của ngân hàng diễn ra thời gian qua.
"Các cổ đông có nhiều ý kiến, không đồng tình, vì nhiều ý kiến. Không đủ tỉ lệ phiếu để thông qua quy chế tiến hành đại hội. Việc này rất đáng tiếc. Tôi để nghị Trưởng ban kiểm soát xin ý kiến cổ đông một lần nữa. Nếu không đảm bảo thì tôi đành tuyên bố dừng đại hộ một lần nữa", ông Ninh phát biểu.
Đến 11h25 phút, do không đủ tỷ lệ biểu quyết thông qua Quy chế tiến hành họp ĐH, Trưởng ban Kiểm soát EIB ông Trần Ngọc Dũng chính thức tuyên bố ĐH không thể tiếp tục tiến hành.
Eximbank sẽ tiến hành ĐHCĐ Thường niên theo quy định lần thứ 3 vào thời điểm thích hợp.
Công Quang