Bị cáo buộc phá rừng, bầu Đức đang đối mặt với ai?

(Dân trí) - Đứng sau nguồn quỹ cho Global Witness, phần lớn đóng góp đến từ tỷ phú George Soros. Cũng chính tổ chức này là nguyên nhân dẫn đến việc Liberia bị Liên hợp quốc áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu gỗ.

Bị cáo buộc phá rừng, bầu Đức đang đối mặt với ai?
Bầu Đức bác bỏ cáo buộc của Global Witness về việc phá rừng

Ngay sau khi bị Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) cáo buộc về hành vi hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng tại Lào và Campuchia để chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế cư dân địa phương, phản ứng của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không gây bất ngờ.

Cũng tương tự như trước các phản hồi của HAG trước việc bị các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Fitch Ratings, Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc, đại diện của công ty bầu Đức ngay lập tức lên tiếng phủ nhận giá trị báo cáo và thậm chí yêu cầu ngừng xếp hạng, lúc nào thị trường tốt hơn sẽ sẵn sàng mời trở lại.

Trong vụ việc gần đây, bên cạnh việc phủ nhận những cáo buộc mà Global Witness đưa ra, điều đáng chú ý là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai khẳng định tổ chức này đang lợi dụng hình ảnh của HAG để đánh bóng tên tuổi. Liệu rằng, có đúng Global Witness “không hề có tên tuổi gì” như đánh giá của bầu Đức hay không?

Tại bài viết này, Dân trí không đi sâu vào các cáo buộc về hoạt động đầu tư của HAG tại hai quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia, mà chỉ cung cấp cho độc giả rõ về tổ chức “không tên tuổi” mà người giàu thứ hai thị trường chứng khoán Việt đang phải đối đầu là ai.

Phần lớn nguồn quỹ từ George Soros

Theo thông tin trên tờ The Mole của Malaysia, Global Witness được tài trợ bởi Viện Xã hội mở (OSI) do siêu tỷ phú George Soros thành lập. Tính riêng trong năm 2011, Global Witness nhận được 1,2 triệu bảng Anh từ OSI, chiếm phần lớn nguồn tài trợ của của tổ chức này. Hiện, con trai của tỷ phú Soros là Alexander G. Soros đang đóng vai trò là thành viên quản trị của Global Witness.

Ngoài ra, cũng trong năm 2011, Global Witness nhận được 19.083 bảng từ Quỹ quốc gia vì Dân chủ (NDE) mà đứng sau là Chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó là các khoản tài trở từ Chính phủ Anh, Nauy, Quỹ Adessium và Oxfam Novib.

Trả lời phỏng vấn The Guardian năm 2007 về việc liệu các khoản tài trợ từ Chính phủ các nước có tạo ra áp lực hoặc gây méo mó những chiến dịch của Global Witness hay không, ông Patrick Alley, một trong các sáng lập viên tổ chức này khẳng định, không có một chính phủ nào có thể áp đặt bất cứ hạn chế nào lên hoạt động độc lập của Global Witness. Đồng thời cho biết, tiền tài trợ tiếp nhận sẽ không bao gồm bất cứ điều kiện nào.

Ước tính, từ tháng 12/2008-11/2009, trong cơ cấu quỹ tài trợ mà Global Witness nhận được, có 61% đến từ các quỹ tư nhân, 33% đến từ các chính phủ và 3% đến từ các tổ chức đa phương, 3%  là lãi suất tiền gửi ngân hàng và các nguồn khác.

20 năm chặn “đường sống” của tài phiệt quốc tế

Thành lập năm 1993, Global Witness đã liên tục tổ chức các cuộc điều tra và chiến dịch ngăn chặn xung đột và hành vi tham nhũng liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như chống lại việc lạm quyền đe doạ môi trường và nhân quyền trên thế giới.

Sự có mặt của Global Witness xuất phát từ tình trạng tham nhũng và dung túng của chính quyền địa phương tại các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, gỗ, khoáng sản… cho các hành động phá hoại của các công ty đầu tư, tạo nên “lời nguyền tài nguyên”.

Hoạt động của Global Witness đi từ những điều tra bí mật cho đến các cuộc họp cấp cao nhằm tạo ra thay đổi tại những lĩnh vực, khu vực có vấn đề.

Có 4 nhóm phạm vi mà Global Witness tập trung là chống tham nhũng, xung đột (phá hoại thiên nhiên, xung đột vũ trang, vi phạm nhân quyền), quản lý môi trường, tối đa hoá trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Nhìn lại lịch sử hoạt động 20 năm vừa qua của tổ chức này, Global Witness đã động chạm đến không ít lợi ích của các nhóm tài phiệt trên toàn cầu và làm mếch lòng nhiều chính phủ. 

Chiến dịch đầu tiên được kể đến đó là việc ngăn chặn hoạt động buôn bán gỗ bất hợp phát từ Campuchia sang Thái Lan nhằm tài trợ cho Khmer Đỏ. Chỉ trong vòng 6 tháng, Global Witness đã thuyết phục được các nhà chức trách hai nước này đóng cửa biên giới đường bộ và góp phần vào việc lật đổ tổ chức khủng bố tại Campuchia.

Tiếp đến là cuộc đấu tranh chống lại ngành công nghiệp kim cương (được gọi là kim cương máu) - hoạt động thương mại tài trợ cuộc nội chiến tàn bạo ở Angola. Global Witness đã không chỉ đặt chân đến quốc gia này mà còn mở rộng can thiệp tại Sierra Leone, Liberia, Congo và Bờ Biển Ngà, vạch trần “kim cương máu” trước dư luận quốc tế và buộc các nhà hoạch định chính sách phải vào cuộc.

Với các hoạt động tích cực ở châu Phi, Global Witness sau đó đã được đề cử Nobel Hoà bình năm 2003. Ba năm sau đó, những nghiên cứu của tổ chức này được sử dụng trong bộ phim bom tấn của Hollywood “Blood Diamond” năm 2006.

Các hoạt động chống tham nhũng và chống xung đột của Global Witness còn hiện diện tại Burma (Myanmar - NV), Indonesia, Liberia, Sudan, Zimbabwe, Guinea Xích Đạo, Turkmenistan và Ukraine.

Qua các cuộc điều tra cứng rắn của mình, Global Witness đã tác động trực tiếp đến hoạt động rút tiền của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) khỏi Campuchia năm 1996 do tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp khai thác gỗ; khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc áp dụng lệnh trừng phạt quốc tế lên hoạt động xuất khẩu gỗ của chính quyền Tổng thống Liberia Charles Taylor năm 2003 (ông này sau đó phải vào tù vì tội ác chống lại nhân loại) và qua đó chặn nguồn quỹ của các phe phái lãnh chúa trong cuộc nội chiến ở nước này. Tiếp đến là góp phần vào vụ bắt giữ Gus Kouwenhoven tại Hà Lan năm 2005.

Cũng chính Global Witness là tổ chức đứng sau sáng kiến Minh bạch hoá ngành công nghiệp khai khoáng được Thủ tướng Anh Tony Blair công bố tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Johannesburg tháng 9/2002.

Các nước đang phát triển không thể làm giàu từ phá rừng

Riêng tại hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng trên thế giới, Global Witness đổ vào không ít tâm sức cho chiến dịch này. Không chỉ chặn nguồn tài trợ cuộc nội chiến ở Liberia thông qua buôn lậu gỗ, tổ chức này còn chỉ rõ tình trạng chảy máu tài nguyên rừng từ Burma sang Trung Quốc.

Gần đây, tổ chức này đã tiến đến việc khởi kiện DLH tại toà án Pháp. Theo đó, DLH bị cáo buộc mua bán gỗ với các công ty tại Liberia trong cuộc nội chiến tại nước này khoảng những năm 2001-2003.

Theo mô tả của Global Witness, rừng đóng vai trò là “pháo đài cuối cùng để chống lại biến đổi khí hậu”. Trong khi, nạn phá rừng lại góp vào 18% tổng phát thải CO2 toàn cầu.

Trước việc Liên Hợp quốc phê chuẩn sáng kiến “Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển” (REDD), Global Witness cho rằng, thoả thuận này mang lại rủi ro lớn đối với rừng và cộng đồng địa phương. REDD sẽ chỉ thành công nếu như có sự tham gia của xã hội dân sự đóng vai trò như một cơ quan giám sát độc lập để đảm bảo nguồn tiền được sử dụng phù hợp với luật pháp quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng trong lĩnh vực này, Global Witness đã chỉ trích Ngân hàng Thế giới (World Bank) vì đã khuyến khích công nghiệp khai thác gỗ dựa vào xuất khẩu như một yếu tố nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển.

Bích Diệp