1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bầu Đức: "Chết ở đâu đứng dậy ở đó"

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Bầu Đức thừa nhận Hoàng Anh Gia Lai từng rơi xuống vực thẳm vì nông nghiệp, rồi hồi sinh cũng nhờ nông nghiệp. Các loại cây ngắn ngày, đặc biệt là cây chuối, đã cứu tập đoàn thoát khỏi cái khó.

Sáng nay (2/11), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) ký hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm với một chuỗi siêu thị. Tại sự kiện này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - trải lòng về chuyện từng thất bại với nông nghiệp và cũng "sống lại" nhờ nông nghiệp.

Ông Đức tóm gọn những thăng trầm bằng câu nói: "Từ giai đoạn đỉnh cao rồi xuống hố sâu, phát triển vực dậy cũng đều từ nông nghiệp. Đây là quá trình dài, phức tạp, không hề đơn giản".

Bầu Đức: Chết ở đâu đứng dậy ở đó - 1

Bầu Đức trải lòng về những thăng trầm với nông nghiệp (Ảnh: HAGL).

Ông nói, nhìn lại lịch sử, Hoàng Anh Gia Lai làm nông nghiệp từ năm 2007. Trước năm 2012, tập đoàn là doanh nghiệp đầu tư đa ngành bất động sản, thủy điện, khoáng sản... Sau năm 2012, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư nông nghiệp, ở 3 nước Đông Dương.

Ông Đức thừa nhận đó là thời hoàng kim của công ty, thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn nước ngoài. Trong đó, Temasek còn đầu tư 200 triệu USD để tập đoàn trồng cây cao su. Thời điểm này, giá vốn trồng cao su 1.400 USD/tấn, giá là 5.200 USD/tấn, là mảng kinh doanh siêu lợi nhuận.

Nhưng "người tính không bằng trời tính". Đến khi Hoàng Anh Gia Lai khai thác cao su thì giá còn 1.100 USD/tấn. Năm 2016, tập đoàn mất thanh khoản, không tiền trả lãi, không tiền trả lương. Từ một công ty từ vực cao, Hoàng Anh Gia Lai rơi xuống vực thẳm.

Nhìn lại, bầu Đức nói vẫn tự hào vì Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản. Lúc bấy giờ, tập đoàn nợ tới 32.000 tỷ đồng. Tham vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực nhưng không thành.

"Lúc bấy giờ nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì", ông trải lòng về biến cố. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng trên thương trường, còn kinh doanh là còn thắng, còn kinh doanh là còn thua, rủi ro luôn hiện hữu.

Sau cú sốc về giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai quyết định "chết ở đâu đứng lên ở đó", chuyển đổi từ con số 0. Tập đoàn lựa chọn lấy ngắn nuôi dài, trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, cây chuối đã cứu Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi cái khổ, cái khó. Từ không có gì, đến nay tập đoàn đầu tư đến 7.000 cây chuối, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về diện tích, chiếm thị phần ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sau chuối, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển qua cây sầu riêng. Tập đoàn đến nay có 3 loại chủ lực trái cây là chuối, sầu riêng, bưởi. Ngoài ra, Tập đoàn còn nuôi heo, gà; đang nuôi cá tầm và cá hồi, chưa thu hoạch tạo dòng tiền, có thể có kết quả vài tháng nữa.

Ông Đức bày tỏ, Hoàng Anh Gia Lai xuất khẩu sản phẩm đi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì tại sao thị trường Việt lại không được? Do đó, tập đoàn hướng vào thị trường nội địa, để người dân được hưởng sản phẩm tốt.

Bầu Đức tự tin chuối Hoàng Anh Gia Lai ngon nhất Việt Nam vì được trồng trên độ cao 900m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ, trồng một năm mới được thu hoạch (nhiều hơn 3 tháng so với trồng thông thường) nên chuối dẻo, thơm hơn và ngọt hơn. 

Theo kế hoạch ký kết giữa 2 doanh nghiệp, chuỗi siêu thị trên sẽ bán các loại sản phẩm trong hệ sinh thái của Hoàng Anh Gia Lai, như chuối, heo... Hoàng Anh Gia Lai cũng tặng 1 triệu trái chuối cho chuỗi này để phân phối tới khách hàng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm