1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất ngờ về thân phận doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà sữa Phê La

Ninh An

(Dân trí) - Doanh nghiệp vận hành chuỗi trà sữa Phê La là Công ty cổ phần Tập đoàn Tra La. Tiền thân của đơn vị này là Công ty cổ phần Tmore - đơn vị vận hành chuỗi trà chanh Tmore trước đây.

Trà sữa bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 2002 nhưng đến năm 2012 mới trở nên phổ biến khi các chuỗi trà sữa Đài Loan đổ bộ vào thị trường. Loại đồ uống này dần phổ biến, đặc biệt với giới trẻ, dân văn phòng.

Một vài số liệu được công bố vào tháng 8/2022 cho biết tổng doanh thu thị trường trà sữa Đông Nam Á ở mức 3,66 tỷ USD. Trong đó Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ 3 với quy mô 362 triệu USD. Năm 2023, trong một báo cáo khác, tính đến tháng 3 cùng năm, tổng số cửa hàng trà sữa tại Việt Nam là 364. Thị trường trà sữa là cuộc chơi của các thương hiệu từ lớn tới nhỏ, trong nước và ngoài nước.

Bên cạnh các thương hiệu lớn như Dingtea, Koi, Royal Tea, Gong cha, những thương hiệu nội địa như Phê La, Phúc Long cũng vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt thương hiệu Phê La dù xuất phát từ một cửa hàng take-away (mang đi) nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh những vị trí đất vàng tại Hà Nội cũng như TPHCM.

Chuỗi trà sữa này được vận hành bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Tra La. Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp cho biết, đơn vị này được thành lập vào ngày 24/3/2020. Trụ sở doanh nghiệp được đặt tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bất ngờ về thân phận doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà sữa Phê La - 1

Một cửa hàng Phê La mở ngay cạnh Nhà Hát Lớn (Ảnh: Phê La).

Hiện công ty này có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc là bà Nguyễn Hạnh Hoa (sinh năm 1990).

Điều bất ngờ là tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn Tra La là Công ty cổ phần Tmore. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tmore tại thời điểm thành lập là 10 tỷ đồng. Trong đó bà Hạnh Hoa góp 9,8 tỷ đồng, tương đương 98% vốn. Hai cổ đông khác là ông Nguyễn Hoàng, Nguyễn Vũ Hạnh góp mỗi người 100 triệu đồng, tương đương 1% vốn. Bà Hạnh Hoa là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc của Công ty cổ phần Tmore.

Đến tháng 5/2021, Công ty cổ phần Tmore đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Tra La. Tại thời điểm này doanh nghiệp có 10 lao động theo thông tin đăng ký thuế.

Bất ngờ về thân phận doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà sữa Phê La - 2

Thông tin về doanh nghiệp vận hành chuỗi Phê La (Ảnh chụp màn hình).

Tmore cũng là thương hiệu nổi tiếng trong ngành F&B khi xu hướng trà chanh nở rộ cách đây vài năm. Thương hiệu này mở rộng thông qua mô hình nhượng quyền. Mức phí nhượng quyền được cho là khoảng 80 triệu đồng, phí duy trì thương hiệu cỡ 4% doanh thu, chưa bao gồm phí thuê mặt bằng, sửa chữa, cải tạo, trang trí quán, nguyên vật liệu, nhân viên.

Tại thời điểm bùng nổ, chuỗi trà chanh này từng có đến 176 cơ sở tại các địa phương. Tuy nhiên khi xu hướng trà chanh đi vào thoái trào, các cơ sở của chuỗi dần đóng cửa. Fanpage của chuỗi cũng dừng đăng thông tin từ tháng 6/2023.

Bất ngờ về thân phận doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà sữa Phê La - 3

Fanpage của Tmore dừng hoạt động từ năm 2023 (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm