Bao năm kín tiếng, nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý lộ thế lực
Sau bao sóng gió, tai tiếng, ngân hàng nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý chính thức ra mắt cộng đồng các nhà đầu tư tập trung. Một cuộc chơi mới bắt đầu, sòng phẳng hơn, không còn chỗ cho sở hữu chéo và sân sau.
Ngân hàng TMCP Nam Á ( NamABank ) của nhà cố chủ tịch Tư Hường và con trai - chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Quốc Toàn (chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý ) vừa thông báo về chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch hơn 335 triệu cổ phần trên thị trường UPCOM.
Theo đó, sau ngày 22/10, thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu Nam A Bank sẽ tạm dừng để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch trên UPCOM. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 24/10.
Như vậy, sau bao năm sóng gió và tai tiếng, ngân hàng nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý sắp đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán (TTCK) theo như yêu cầu chung của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù mới chỉ đăng ký giao dịch trên UPCOM, chưa niêm yết cổ phiếu trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hoặc Hà Nội (HNX) nhưng đây đã là một bước tiến giúp các cổ đông dễ dàng giao dịch cổ phiếu và tăng tính minh bạch cho một loại hình doanh nghiệp vốn rất cần sự rõ ràng trong hoạt động: ngân hàng.
Khoảng 2 năm gần đây, một loạt ngân hàng đã dồn dập lên sàn, mang đến lượng lớn hàng hóa cho thị trường chứng khoán cũng như giúp tăng quy mô thị trường lên rất nhanh.
Đầu tháng 8, Ngân hàng Techcombank chào sàn gần 1,2 tỷ cổ phiếu TCH với giá tham chiếu khủng 128.000 đồng/cp và là ngân hàng thứ 13 lên sàn chứng khoán. Vốn hóa của Techcombank ngay lập tức đạt 6,5 tỷ USD.
Tiên Phong Bank (TPBank) cũng đã lên sàn hồi giữa tháng 4, sau thành công của cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank của ông Ngô Chí Dũng và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trước đó.
Theo kế hoạch, trong năm 2018 hoặc đầu 2019, một loạt các ngân hàng nữa dự kiến cũng sẽ lên sàn gồm: NamABank, MaritimeBank, SeABank, OCB, SaigonBank, VietABank,... góp phần mang lại sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu ngành này.
Hiện tại, NamABank có vốn điều lệ hơn 3,3 ngàn tỷ đồng 5 ngàn tỷ trong năm nay. NamABank gần đây có khá nhiều chuyển biến tích cực, với lợi nhuận 6 tháng tăng gấp 3 lần cùng kỳ và là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống cán đích và vượt kế hoạch kinh doanh chỉ trong nửa đầu năm.
NamABank gần đây có kế hoạch phát hành hơn 33 triệu cổ phần để trả cổ tức và được phép mở mới 5 chi nhánh và 30 phòng giao dịch. NamABank cũng được chỉ định trực tiếp tham gia tái cấu trúc Quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai.
Ông Nguyễn Quốc Toàn trở lại làm chủ tịch NamABank.
Trước đó, NamABank là một ngân hàng được nói đến nhiều về vấn đề sở hữu chéo và các hoạt động liên quan tới các doanh nghiệp sân sau.
Tính tới báo cáo gần nhất công bố trên trang web của NamABank, nhà cố doanh nhân Tư Hường (mẹ ông Nguyễn Quốc Toàn) vẫn tiếp tục chi phối ở ngân hàng này. Các thành viên gia đình lão bà doanh nhân Tư Hường vẫn đứng đầu trong số các cổ đông lớn của Nam A Bank.
Theo danh sách này, ông Mỹ sở hữu 12,9 triệu cổ phiếu NamABank, tương đương 4,28% vốn điều lệ. Ông Mỹ hiện là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á.
Ông Phan Đình Tân, người khi đó thay thế anh trai ông Mỹ - ông Nguyễn Quốc Toàn - lên làm chủ tịch HĐQT, nắm giữ gần 8,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,84%.
Báo cáo của NamABank cho thấy, trong 6 tháng cuối năm, không có giao dịch nào của cổ đông lớn.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 5% cổ phần NamABank. Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương - một DN của ông gia đình ông Toàn - nắm giữ gần 14,2% cổ phần của Ngân hàng Nam Á.
Á hậu Dương Trương Thiên Lý cũng từng sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của NamABank nhưng sau đó đã chuyển cho người khác.
Gia đình nhà cố doanh nhân Tư Hương nắm giữ nhiều cổ phần NamABank
NamABank là ngân hàng được gây dựng bởi gia đình cố doanh nhân Tư Hường. Các con bà, bao gồm ông Toàn, ông Mỹ và bà Nguyễn Thị Xuân Loan đều từng xoay vòng giữ chức chủ tịch ngân hàng này.
Theo báo cáo mới nhất, tính tới cuối tháng 4/2018, ông Nguyễn Quốc Toàn đã trở lại vị trí chủ tịch NamABank.
NamABank trong vài năm gần đây có nhiều thay đổi, trong đó có những thay đổi liên quan tới các chức danh lãnh đạo cao cấp. Riêng trong năm 2015, NH này đã thay cả hai chức danh quan trọng nhất là TGĐ và chủ tịch HĐQT, trừ một điểm không đổi là quyền lực của gia đình bà Tư Hường tại đây.
Gia đình bà Tư Hường còn làm chủ Tập đoàn Hoàn Cầu, một đế chế hùng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Trong năm 2015, có nhiều thông tin NamABank về chung chung một nhà với Eximbank. Tuy nhiên, thông tin này sau đó bị bác bỏ. NamABank khẳng định tự tái cơ cấu, chưa có kế hoạch sáp nhập với đơn vị khác.
Mặc dù vậy, gần đây hồi tháng 8/2018 mối quan hệ giữa Eximbank và NamABank lại được nói đến. Một nữ đại gia quyền lực lộ diện và có thể khiến cuộc chiến “phân chia quyền lực” ở Eximbank hậu Lê Hùng Dũng có thể tới hồi kết.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT Eximbank, đã mua thành công gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,122% vốn điều lệ ngân hàng Eximbank. Gần như cùng lúc, ông Trần Lê Quyết rút là người đại diện phần vốn góp của Vietcombank tại Eximbank.
Bà Lương Thị Cẩm Tú là người vừa trúng cử vào HĐQT Eximbank tại ĐHĐCĐ thường niên hồi ngày 27/4 của ngân hàng này (nhiệm kỳ 2015-2020). Bà Tú cũng là người duy nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận trong số 4 ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank khi đó.
Trước khi tham gia vào HĐQT Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú từng là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, dòng tiền bắt đáy lan tỏa ở nhiều nhóm ngành giúp VN-Index lấy lại 12 điểm sau một chuỗi ngày thê thảm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại tâm điểm trên thị trường với sức hút khá mạnh.
Nhiều cổ phiếu như Vietinbank, TPBank, BIDV, Vietcombank,... tăng điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng bứt phá khá ấn tượng, với những gương mặt như Đất Xanh, Novaland, Văn Phú Invest, Hòa Bình,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn bớt bi quan hơn trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng nhịp hồi phục sẽ tiếp tục trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu thay vì sự lan tỏa đồng đều như phiên hôm 16/10.
BSC cho rằng, thị trường đang tích lũy trong vùng giá 955 điểm trước khi đi theo xu hướng mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10, Vn-Index tăng 11,73 điểm lên 963,37 điểm; HNX-Index tăng 0,92 điểm lên 108,6 điểm. Upcom-Index tăng 0,36 điểm lên 52,77 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà
VietnamNet