Bán cả chục tấn lạp xưởng mùa Tết, thu lợi hơn 1 tỷ đồng
(Dân trí) - Dịp Tết, mỗi ngày cơ sở lạp xưởng tại ở miền Tây đưa ra thị trường từ 500 - 700kg để phục vụ nhu cầu của người dân. Dự kiến, dịp Tết năm nay cơ sở này sẽ đưa ra thị trường 10 tấn lạp xưởng.
Những ngày cuối năm, cơ sở lạp xưởng của bà Lương Thị Kim Châu (45 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đang tất bật để chuẩn bị hàng giao cho khách. Cơ sở lạp xưởng này được ông nội bà Châu gầy dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngay từ khi mới đưa ra thị trường, lạp xưởng nhà bà Châu đã được người dân nhiệt tình ủng hộ và là món ăn không thể thiếu của người dân trong vùng.
Bà Châu cho biết, hàng ngày 4h sáng là cơ sở lạp xưởng của bà đã bắt đầu hoạt động. Khoảng 2 tháng trước Tết, 2h sáng bà và hàng chục công nhân phải dậy để chuẩn bị nguyên liệu làm lạp xưởng. Quy trình làm lạp xưởng trải qua những công đoạn cơ bản như chọn thịt heo, ướp gia vị, dồn thịt vào ruột heo và phơi nắng.
Để lạp xưởng ngon, thịt heo đòi hỏi phải thật tươi ngon nên bà Châu phải lựa chọn thật kỹ. Đích thân bà Châu thường xuyên phải đến các cơ sở cung cấp thịt heo để kiểm tra về chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Thịt heo nếu không ngon sẽ làm hỏng lạp xưởng. Ngay sau khi giết mổ, thịt heo tươi sẽ được chuyển ngay về cơ sở của tôi để chế biến. Những phần thịt mông, đùi ngon sẽ được lựa ra, rửa sạch bằng nước ấm rồi cắt hạt lựu để ướp theo công thức riêng khoảng 1 tiếng", bà Châu chia sẻ.
Để lạp xưởng ngon, phần ruột heo để dồn thịt cũng phải được lựa chọn từ những con heo khỏe mạnh. Nhờ đó, khi dồn thịt vào ruột heo không bị hư, rách, sau khi phơi sẽ ôm chặt phía ngoài lạp xưởng với mùi thơm đặc trưng.
"Bí quyết để làm lạp xưởng tươi ngon nằm ở cách ướp gia vị. Cách ướp này được ông nội tôi truyền lại đến bây giờ và tôi vẫn giữ nguyên hương vị ngày xưa. Nếu ai ăn lạp xưởng của gia đình tôi sẽ cảm nhận được mùi vị rất đặc trưng, không ở đâu có được", bà Châu giới thiệu.
Sau khi lạp xưởng được dồn thịt, bà Châu và công nhân sẽ đem lạp xưởng lên sân thượng phơi để đảm bảo vệ sinh. Những ngày mưa gió, lạp xưởng sẽ được sấy trong lò điện. Thời gian nướng và phơi nắng cũng được quy định cụ thể để lạp xưởng không bị quá khô.
Ngoài lạp xưởng heo, bà Châu còn sáng tạo ra lạp xưởng tôm, lạp xưởng bò, lạp xưởng trứng muối. Những loại sản phẩm này đều có hương vị riêng và được nhiều du khách yêu thích.
"Trung bình mỗi ngày cơ sở của tôi sản xuất khoảng 70kg lạp xưởng. Những tháng gần Tết thì mỗi ngày sản xuất từ 500 - 700kg. Dự kiến Tết năm nay cơ sở của tôi đưa ra thị trường khoảng 10 tấn lạp xưởng các loại. Giá của lạp xưởng dao động tù 280.000 - 320.000 đồng/kg", bà Châu chia sẻ thêm.
Theo bà Châu, năm nay dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhu cầu mua lạp xưởng vẫn tăng mạnh. Nguyên nhân do lạp xưởng là món ăn yêu thích và là món quà không thể thiếu của người miền Tây dịp Tết.
Dự kiến, dịp Tết cơ sở lạp xưởng của bà Châu sẽ có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.