(Dân trí) - Sản xuất hạn chế vì thiếu công nhân trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp khó khăn trăm bề, người lao động chật vật vì mất thu nhập.
Thiếu lao động, doanh nghiệp càng làm càng đuối
(Dân trí) - Sản xuất hạn chế vì thiếu công nhân trong thời gian giãn cách, doanh nghiệp khó khăn trăm bề, người lao động chật vật vì mất thu nhập.
"Rất khó khăn, áp lực về chi phí. Càng kéo dài, doanh nghiệp càng kiệt sức", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Công ty Thành Công), ông Trần Như Tùng mở đầu tâm sự với Dân trí về tình hình sản xuất hiện nay của doanh nghiệp.
Càng kéo dài, càng kiệt sức
Theo ông Tùng, sau thời gian thực hiện "3 tại chỗ", hoạt động sản xuất của công ty tại TPHCM đã ổn định. Các nhà máy tạm thời thiết lập được "vùng xanh" bên trong. Khi Thành Công đang tính toán việc bổ sung thêm công nhân cho các nhà máy, TPHCM thông báo tăng cường biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm "ai ở đâu, ở yên đó".
Khi đó, công ty phá sản kế hoạch bổ sung thêm công nhân. Hiện các nhà máy của Thành Công chỉ duy trì 50% người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ hoạt động được chưa đến 50% công suất.
Chỉ hoạt động nửa chừng, công ty buộc phải đàm phán với khách hàng vì giao hàng trễ. Dù các đối tác thông cảm, không yêu cầu phạt hay đền bù, ông Tùng lo lắng nếu chờ đợi quá lâu, họ có thể chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang quốc gia khác khi mùa cao điểm mua sắm Noel, năm mới sắp đến. Lúc này, cả ngành dệt may của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. "Họ không thể chờ mình mãi được", ông Tùng lo ngại.
Tại Thành Công, số lượng đơn hàng đã đủ để sản xuất đến tận quý I/2022, nhưng ông Tùng đang đau đầu trước khó khăn lớn nhất là không thể tăng thêm năng lực sản xuất. Nếu không thể đưa công nhân trở lại nhà máy, không có cách nào giải được bài toán này.
Ông Tùng cũng lo lắng khi người lao động nghỉ việc quá lâu sẽ tìm cách rời TPHCM về quê, nhất là giai đoạn Tết đến gần. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đối diện nỗi lo mất một phần lực lượng lao động để phục hồi sản xuất.
Với trường hợp của Thành Công, vị chủ tịch chia sẻ số lượng công nhân còn ở lại TPHCM rất lớn vì doanh nghiệp vẫn trả lương cho những người không đi làm. Do đó, công nhân vẫn trụ lại được ở thành phố và chờ đợi ngày được trở lại làm việc. Tuy nhiên, do chủ trương "ai ở đâu, ở yên đó" nên công ty chưa thể đưa họ trở lại nhà máy.
Dù vậy, ông nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ có thể nỗ lực tối đa đến mốc 15/9. Nếu tình hình lúc đó vẫn không thay đổi, công ty sẽ rất khó khăn, phải tính đến phương án cắt giảm lương nhiều hơn để có thể trụ được.
"Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ công nhân không đi làm được một, hai tháng chứ không thể gắng mãi được", ông Tùng trải lòng.
Đơn hàng trễ, cắn răng chịu lỗ
Có quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng Công ty TNHH May mặc Dony của ông Phạm Quang Anh chỉ duy trì được khoảng 20% nhân sự làm việc hiện tại. Vị giám đốc trẻ cũng chia sẻ ngay khi định tăng thêm nhân sự vào xưởng sản xuất theo "3 tại chỗ", TPHCM quyết định siết chặt giãn cách nên có bao nhiêu làm bấy nhiêu.
Với 20% nhân sự, công ty của ông Quang Anh chỉ hoạt động được khoảng 15% công suất. Theo ông, nhiều đối tác của công ty trước đây hoạt động dè dặt thì đã đóng cửa hẳn, tạm nghỉ trong 2 tuần TPHCM siết chặt giãn cách vừa qua. Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các đối tác cung cấp không hoạt động, tiến độ sản xuất bị ảnh hưởng lớn.
Ông Quang Anh lấy ví dụ hiện xưởng may của mình thiếu bọc để đóng gói. Đây lại không phải hàng thiết yếu nên khó vận chuyển. Hay như công đoạn tưởng chừng đơn giản là dán nhãn lên thùng, đối tác in ấn không hoạt động, công ty phải tự dùng máy photo để in, cắt, dán, mất rất nhiều thời gian so với bình thường.
Không đủ nhân lực, hoạt động cầm chừng nên đơn hàng tất yếu phải giao chậm. Ông Quang Anh chia sẻ sau khi xin đối tác ở Mỹ cho phép giao trễ một tháng nhưng vẫn không kịp sản xuất, công ty phải chấp nhận vận chuyển hàng gấp bằng máy bay thay vì tàu biển. Giá cước vận chuyển vì thế tăng 20 lần từ 20 triệu đồng lên 400 triệu đồng. Công ty buộc phải chịu lỗ.
Do tình trạng thiếu công nhân, công ty Dony tạm thời tìm giải pháp thuê một số đối tác ở khu vực miền Trung vẫn có thể sản xuất để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng đơn giản. Tuy nhiên, ông Quang Anh cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể sử dụng lâu dài vì làm như vậy công ty vẫn lỗ.
"Cứ kéo dài mãi như thế này thì chắc chết", ông tâm sự.
Không còn nghĩ đến chuyện đạt kế hoạch
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, đánh giá tình hình chung hiện nay, các công ty dệt, may tại thành phố đang thiếu hụt 30-40% nhân sự do dịch Covid-19.
"Đối với ngành dệt may truyền thống thì nhân lực là tài sản lớn nhất", ông Việt nói. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp giảm mạnh khi thiếu nhân sự. Tâm lý của những công nhân đang còn làm việc bị ảnh hưởng nên hiệu quả công việc cũng không cao.
Theo ông Việt, tình trạng thiếu hụt nhân sự đã khiến hầu hết doanh nghiệp dệt may tại TPHCM phải ngưng hoạt động từ 15/8. Từ tháng 7 đến nay, nhiều đơn vị đã trễ 70-80% đơn hàng vì không có nhân lực hoạt động.
Trước đó, khi dịch ở khu vực miền Bắc, miền Trung còn được kiểm soát, nhiều đơn vị chuyển một số đơn hàng ra các chi nhánh để đảm bảo tiến độ. Nhưng phương án trên đến nay cũng không thể thực hiện được vì quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Ông Việt cho rằng, ngành dệt may đã mất 2 tháng 7 và 8. Nếu dịch sớm được khống chế, lượng hàng tồn trong năm ở mức 30%, càng kéo dài hàng tồn càng lớn. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm trầm trọng.
Ngay từ đầu năm nay nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới đến hết quý II, thậm chí quý III. Nếu không có dịch, nhiều doanh nghiệp có thể tự tin vượt kế hoạch. Nhưng đến giờ phút này, đơn vị nào đạt được 80% kế hoạch đã là may mắn.
Việt Đức - Xuân Hinh
Bài tiếp: Doanh nghiệp "nín thở" chờ kế hoạch của TPHCM sau 15/9