Doanh nghiệp "thở oxy", nai lưng bán gạo, thịt, cá "cầm hơi" giữa đại dịch

Đại Việt

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi sản phẩm chủ lực để tồn tại trong mùa dịch. Doanh nghiệp bán ô tô cũ đi buôn gạo, công ty bán tinh dầu thì kinh doanh thịt heo, tôm, cá.

Thay đổi sản phẩm chủ lực để tồn tại

Ông Trần Phát - chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TPHCM) - cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu bán xe cũ của công ty bằng 0. Trong khi hàng tháng ông vẫn phải trả tiền mặt bằng, lãi vay ngân hàng, tiền lương cho nhân viên…

"Hàng chục chiếc ô tô không bán được suốt 3 tháng qua cũng dần mất giá và thiệt hại là vô cùng lớn, điều này khiến tôi phải thay đổi" - ông Phát nói.

Doanh nghiệp thở  oxy, nai lưng bán gạo, thịt, cá cầm hơi giữa đại dịch - 1

Chủ doanh nghiệp bán ô tô cũ quyết định đi buôn gạo (Ảnh: Đ.V).

Theo ông Phát, tận dụng mối quan hệ với bạn bè kinh doanh nông sản, ông quyết định bán gạo để tạo việc làm cho nhân viên mùa dịch. Sau hơn một tháng, công ty ông bán được gần 40 tấn gạo các loại.

"Dịch bệnh, tôi chỉ mong làm đủ tiền lo cho cuộc sống của nhân viên. Hết giãn cách, công ty lại quay về với công việc chính là bán xe ô tô cũ" - ông Phát bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Hà - đại diện một doanh nghiệp kinh doanh tinh dầu - chia sẻ, trong dịch bệnh bà phải chuyển sang kinh doanh thực phẩm để cầm cự. Công ty bà đang bán thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cá các loại.

"Mỗi ngày chúng tôi chốt khoảng 400-500 đơn hàng, dù là hướng đi mới nhưng cũng mang lại nhiều hy vọng cho công ty" - bà Hà chia sẻ.

Doanh nghiệp thở  oxy, nai lưng bán gạo, thịt, cá cầm hơi giữa đại dịch - 2

Cá, thịt heo, gà, vịt là những sản phẩm bán chạy trong mùa dịch (Ảnh: Đ.V).

Theo bà Cao Thị Dung - đại diện chuỗi siêu thị Sakuko, dịch bùng phát tại TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc kinh doanh của các siêu thị bán lẻ.

Đơn hàng trực tuyến của siêu thị này tại TPHCM trong quý III đã giảm khoảng 50% so với giai đoạn dịch chưa bùng phát. Khách đặt hàng nhưng siêu thị không đáp ứng được vì vấn đề vận chuyển.

Trước vô số khó khăn, doanh nghiệp quyết định thay đổi phương thức logistics bằng cách không dùng xe container để chở hàng mà thay vào đó là dùng ô tô tải loại nhỏ để vận chuyển. Dù chi phí tăng lên nhưng tốc độ giao hàng của các xe tải ổn định hơn, nhanh hơn, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường.

"Chúng tôi cũng quyết định không tăng giá sản phẩm để giữ chân người mua, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu như bỉm, sữa, thực phẩm" - bà Dung nói.

Cũng theo bà Dung, thay đổi cơ cấu sản phẩm chính là "kháng sinh" giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Dựa vào thói quen người dùng, đơn vị này đã tăng cường nhập cá tuyết, lươn, thực phẩm chức năng hay các sản phẩm dành cho mẹ và bé từ Nhật Bản để phục vụ nhu cầu của người dân mùa dịch.

Cần giảm lãi vay cho doanh nghiệp

Ông Dominic Vũ - đại diện Dom Capital - cho biết, hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội. Điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp chính là được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi vay.

"Doanh nghiệp chúng tôi hy vọng được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong mùa dịch và Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ được sử dụng cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất ưu đãi trong 2 năm" - ông Dominic Vũ nêu đề xuất.

Cũng theo ông Dominic Vũ, khi dịch bệnh tại TPHCM được kiểm soát phần nào, thành phố nên sớm mở cửa cho doanh nghiệp làm ăn, buôn bán. Nếu đóng cửa quá lâu, doanh nghiệp rất khó để bám trụ trên thị trường. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã "thở oxy".

Doanh nghiệp thở  oxy, nai lưng bán gạo, thịt, cá cầm hơi giữa đại dịch - 3

Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn vì dịch bệnh (Ảnh: Đ.V).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng của năm nay, cả nước có 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó TPHCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1%), tăng 6,6% so với năm ngoái. Trung bình mỗi tháng cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay chính là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp. Kể từ khi dịch bùng phát, tổng số lãi đã được giảm bớt cho doanh nghiệp là khoảng 18.830 tỷ đồng. 

Ông Tú cho rằng, dù ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nhưng trong lúc này trách nhiệm chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân là trách nghiệm chung của cả xã hội và của các ngân hàng.

Dưới sự định hướng và chỉ đạo của NHNN, từ nay đến cuối năm, 16 tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết hỗ trợ nền kinh tế với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng.

Ngoài gói hỗ trợ chung, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV còn cam kết mỗi ngân hàng bỏ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp ở TPHCM, Bình Dương và nhiều địa phương khác.

Theo ông Tú, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm