"Bà trùm" PNJ làm gì với "núi" hàng tồn kho trong cơn điên giá vàng?
(Dân trí) - PNJ còn gần 8.700 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho vào thời điểm kết thúc năm 2021 và trong số này, một lượng hàng giá trị hơn 3.300 tỷ đồng đã được dùng làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Xung đột căng thẳng giữa Nga - Ukraine thời gian qua đã khiến giá vàng tăng mạnh do vàng vẫn là kênh trú ẩn được phần lớn nhà đầu tư lựa chọn khi xảy ra lạm phát và bất ổn địa chính trị.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC ngày 11/3 vẫn duy trì mức cao chót vót 68,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 70,22 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trước đó, loại vàng này lập đỉnh lịch sử với mức giá mua vào/bán ra là 71,7 triệu đồng/lượng và 73,52 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng tăng nhanh và neo ở mức cao giúp những doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước có lượng tồn kho lớn đạt lợi thế do giá vốn thấp, đặc biệt là những doanh nghiệp tích trữ được khối lượng hàng tồn lớn trong năm 2021.
Gần 8.700 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho
Theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tại thời điểm 31/12/2021, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên tới 8.686,6 tỷ đồng, tăng 2.140,7 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021.
Trong số này, giá trị thành phẩm tồn kho là 5.187,3 tỷ đồng, gấp gần 14 lần so với thời điểm 31/12/2020, giá trị hàng hóa tồn kho là 2.682 tỷ đồng và giá trị nguyên vật liệu là 635,1 tỷ đồng.
PNJ cho biết, doanh nghiệp đã dùng 3.303,9 tỷ đồng hàng tồn kho để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, PNJ có các khoản vay 86,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH CTBC - TPHCM đáo hạn trong khoảng 15/4-22/6 với lãi suất 4,5%; 764,42 tỷ đồng tại VietinBank đáo hạn từ ngày 30/3 đến 9/6 với lãi suất 4,2% và 398,8 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Hóc Môn đáo hạn từ 8/3 đến 10/4 với lãi suất 5,09%. Tài sản thế chấp của các khoản vay này đều là hàng tồn kho.
Nhờ có lượng hàng tồn kho lớn, kết quả kinh doanh của PNJ ngay từ tháng đầu năm 2022 đã gặt hái kết quả tích cực, đây cũng là tháng có ngày vía Thần Tài, vốn là ngày "gặt hái" của các "nhà vàng".
Cụ thể, tháng 1 vừa rồi, doanh thu thuần của "đế chế" vàng bạc đá quý này tăng tới 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.476 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng tăng mạnh 60,7% lên mức 270 tỷ đồng và là mức cao nhất từ khi công bố lợi nhuận tháng.
Trong đó, doanh thu các kênh bán lẻ tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với tháng trước, doanh thu bán sỉ tăng 11,7% so với cùng kỳ và doanh thu vàng miếng tăng tới 90,3%.
Trước đó, trong năm 2021, doanh thu thuần của PNJ tăng 12%, đạt 19.593 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 93% kế hoạch năm trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.037 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm 2020 và hoàn thành 84% kế hoạch.
Giá vàng tăng, giá bán tăng
Về triển vọng năm nay của PNJ, hầu hết giới phân tích cho rằng doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 2 chữ số nhờ thị trường thuận lợi.
Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của PNJ có thể đạt 23.600 tỷ đồng và 1.420 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,3%và 37,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong kịch bản mà SSI Research xây dựng thì lượng hàng tồn kho của PNJ trong năm 2022 có thể tăng lên 10.868 tỷ đồng.
Trong khi đó, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) lại đặt kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PNJ lần lượt là 23.874 tỷ đồng (tăng 22%) và 1.383 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ).
Dự phóng kết quả kinh doanh đối với doanh nghiệp này của BSC dựa trên giả định doanh thu bán lẻ trang sức trên mỗi cửa hàng hiện hữu sẽ tăng từ mức 6,7% năm 2021 lên 11,9% trong 2022 nhờ xu hướng "tiêu dùng trả thù" do nhu cầu bị dồn nén trong quý III/2021, bên cạnh hiệu quả của việc tái cấu trúc, chiến dịch marketing tận dụng khoảng trống thị trường.
Biên lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng được dự báo là sẽ tăng từ 18,2% lên 18,8% trong năm nay do giảm tỷ trọng bán lẻ vàng miếng từ 25,6% của năm 2021 xuống còn 24,9% trong năm 2022 theo định hướng tập trung vào mảng kinh doanh trang sức của ban lãnh đạo.
Riêng biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ trang sức được duy trì tương đương với năm 2021 ở mức khoảng 29-30% nhờ xu hướng "tiêu dùng trả thù" và cao cấp hóa, đủ để bù đắp phần lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng do mở cửa hàng ở thành phố cấp 2, cấp 3.
Còn VDSC Research thì đưa ra dự báo, doanh thu bán lẻ năm 2022 của PNJ có thể đạt 13.837 tỷ đồng (tăng 22% so cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 35% lên 1.394 tỷ đồng.
Ở một góc nhìn khác, nhóm phân tích tại VDSC Research cho biết, tuy vàng chiếm 30 - 40% giá vốn hàng bán trong giá vốn hàng bán trang sức của PNJ nhưng "không có mối tương quan rõ ràng giữa sự thay đổi giá vàng và sự thay đổi biên lợi nhuận gộp của PNJ trong quá khứ".
Lý giải cho điều này, công ty chứng khoán trên cho biết, tỷ trọng các kênh bán (kênh bán lẻ so với đóng góp từ gia công bán sỉ) và cơ cấu sản phẩm bán (ví dụ như tỷ trọng đóng góp của nhóm trang sức gắn đá quý so với nhóm trang sức có hàm lượng vàng cao và vàng miếng trong tổng doanh thu) đóng vai trò quan trọng hơn trong sự thay đổi biên lợi nhuận gộp, chưa kể đến tác động độ trễ của tồn kho vàng trong chi phí sản xuất thực tế.
Mặc dù vậy, báo cáo của VDSC Research có trích dẫn thông tin từ PNJ rằng: Đà phục hồi của giá vàng sau căng thẳng Nga - Ukraine (đã tăng 19% so với đầu năm) có thể kích hoạt một đợt tăng giá bán trung bình trong tháng 3. Điều này sẽ hỗ trợ tương đối tốt cho tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh các chiến dịch khuyến mãi đang được triển khai tích cực trong mùa cao điểm quý I này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PNJ đóng cửa phiên 11/3 tại mức giá 104.500 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu PNJ điều chỉnh đáng kể trong 2 ngày 10/3 và 11/3 sau khi đạt được đỉnh giá ở phiên 9/3 với mức 110.500 đồng/cổ phiếu.