Bà Nguyễn Thị Như Loan trải lòng về vụ kiện lịch sử của Quốc Cường Gia Lai

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Bà Như Loan nói đã cố gắng hết sức, cũng muốn về hưu, mong gỡ vướng được pháp lý để các cổ đông theo bà nhiều năm được đền đáp lại. "Việc đấu tranh có lợi cho công ty, tôi đã làm hết sức", lời bà.

Nỗi trăn trở từ dự án Phước Kiển

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL - mã chứng khoán: QCG) nói pháp lý dự án bị ách tắc "không phải do tôi, đây là chính sách của Nhà nước".

Bà Loan cũng cho rằng không thể trả lời khi nào thì pháp lý được tháo gỡ, khi cổ đông hỏi về kế hoạch sắp tới của ban lãnh đạo với dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM (diện tích 91,6ha). Thông tin được trao đổi tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023 của QCGL, diễn ra chiều 24/6.

Tổng giám đốc QCGL nhấn mạnh nhiều dự án hiện nay trên thị trường bị tắc pháp lý, không riêng gì công ty. Điều này không ai muốn nhưng lực bất tòng tâm, dù bà và ban lãnh đạo công ty đã cố gắng hết sức. Bà Loan nhờ cổ đông tìm giúp mình một dự án ở TPHCM trong 3 năm qua được gỡ vướng pháp lý.

"Tôi cũng muốn về hưu rồi, tôi mong gỡ vướng được pháp lý để các cổ đông theo tôi nhiều năm được đền đáp lại. Việc đấu tranh có lợi cho công ty, tôi đã làm hết sức. Điển hình là vụ kiện Sunny Island, thử hỏi có ai dám đấu tranh với một doanh nghiệp mạnh như thế ở TPHCM. Nhưng QCGL đã làm được", bà Loan nói.

Bà Nguyễn Thị Như Loan trải lòng về vụ kiện lịch sử của Quốc Cường Gia Lai  - 1

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 của QCGL (Ảnh: Khổng Chiêm).

Tại dự án Phước Kiển, QCGL có nhận từ Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island số tiền 2.883 tỷ đồng từ năm 2016, kèm theo biên bản thỏa thuận ghi nhớ sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny Island.

QCGL đã dùng toàn bộ 2.883 tỷ đồng để trả nợ vay cho BIDV và phát triển các dự án bất động sản. Số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất, dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.

Tuy nhiên đến năm 2020, QCGL tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng hứa mua, hứa bán khu dân cư Bắc Phước Kiển do Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán và chiếm giữ bất hợp pháp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ giải phóng mặt bằng khoảng 65ha đất dự án. Công ty cũng khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh.

Vừa qua, VIAC đã tuyên bố thắng kiện cho QCGL, buộc Sunny Island hoàn trả cho QCGL toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 31/3/2017 (các sổ đỏ khoảng 65ha).

Tại phiên họp cổ đông thường niên 2023, bà Loan cho biết theo hợp đồng, QCGL nhận của Sunny Island 2.883 tỷ đồng. Nếu QCGL vi phạm hợp đồng sẽ phải trả số tiền trên cộng thêm khoản phạt 50% giá trị đó. Theo phán quyết của VIAC, QCGL làm đúng hợp đồng nên có thể chỉ cần trả 50% của 2.883 tỷ đồng, tức khoảng 1.441 đồng. 

Phán quyết của trọng tài có thể cần tới 60 ngày để đi vào thực thi, trong trường hợp Sunny Island không kháng cáo. Tuy nhiên, sổ đỏ của 65ha đất đã đền bù mà QCGL giao cho Sunny Land hiện do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nắm giữ. Cơ quan này đang xem xét sự việc có liên quan gì đến Vạn Thịnh Phát (VTP Group). Sau khi có kết luận của C03, QCGL mới xác định được số tiền cụ thể sẽ trả cho Sunny Island.

Mặc dù vụ kiện với Sunny Island đã có kết quả, song bà Loan vẫn còn nhiều trăn trở về dự án Phước Kiển. Theo quy định mới của Luật Đầu tư, QCGL phải làm lại hồ sơ pháp lý từ đầu với dự án này, sẽ mất nhiều thời gian công sức. Ngoài ra, dự án còn khoảng 10% diện tích chưa giải phóng xong mặt bằng với người dân và 8-9ha vướng đất kênh rạch xen cài.

Bà Loan nói dự án còn khoảng 5-7 hộ dân chưa chịu đền bù, dù QCGL đã làm việc nhiều lần, thương lượng nhiều lần nhưng họ đã từ chối. QCGL chấp nhận cắt bỏ một phần dự án đó, dù không được tròn trịa. Tuy nhiên điều đáng ngại hơn cả là 8-9ha đất kênh rạch, được xem như đất công, chưa biết bao giờ được gỡ vướng.

Dự tính bán nhà máy thủy điện để "cứu" dự án Phước Kiển

Để có được số tiền trả cho Sunny Island, bà Loan tính toán QCGL sẽ bán nhà máy thủy điện mà không bán dự án. Bởi bán dự án có thể giá bị rẻ khoảng 50%, còn bán thủy điện thì không lỗ.

Kế hoạch này cũng được HĐQT QCGL công bố hồi tháng 3, với dự tính bán nhà máy thủy điện IaGrai 1 tại tỉnh Gia Lai. Giá bán đến nay chưa được tiết lộ. "May còn có thủy điện để bán, chứ vốn chôn hết vào bất động sản thì giờ làm sao có tiền trả cho Sunny Island", bà Loan nói.

Không chọn bán tài sản, dự án với giá rẻ là thông điệp mà Tổng giám đốc QCGL nhắc lại nhiều lần tại cuộc họp lần này. Bà cho biết năm 2022, công ty vay nợ tài chính 594 tỷ đồng, hệ số nợ vay ngân hàng trên vốn chủ sở hữu 0,13 lần, là mức trung bình rất thấp so với các công ty bất động sản trong cả nước.

Điều này đã giúp QCGL không bị áp lực nhiều về tài chính, không phải trả nợ gốc và lãi vay quá nhiều. Từ ưu điểm này, công ty đã giữ được các dự án hiện có, không bị áp lực bán giá thấp để trả nợ vay khi đến hạn.

Trong năm 2023, công ty tiếp tục tìm nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo dòng vốn cho các dự án của công ty trong bối cảnh chờ thời gian hoàn thành pháp lý kéo dài như hiện nay. Đồng thời, công ty sẽ đa dạng hóa và chủ động tìm nguồn vốn trung dài hạn chuẩn bị mọi nguồn lực chờ pháp lý hanh thông để hợp tác triển khai các dự án trọng điểm.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm nay 900 tỷ đồng, giảm 29% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, tăng 13%.