CEO Quốc Cường Gia Lai nói về cái may trong cái rủi ở siêu dự án tại TPHCM

Việt Đức

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết từng chật vật vì hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án Bắc Phước Kiển nhưng cũng nhờ đó mà công ty hiện sở hữu một quỹ đất với giá trị rất lớn.

Chia sẻ tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức chiều 31/12, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) - hồ hởi chia sẻ công ty đang sở hữu lợi thế với quỹ đất không nhỏ tại TPHCM, nợ vay cũng đã giảm đáng kể so với trước đây. Bà Loan cho biết cá nhân cảm thấy nhẹ nhõm còn HĐQT cũng không còn áp lực, gánh nặng như trước.

Đặc biệt, CEO Quốc Cường Gia Lai dành nhiều thời gian trình bày về hiện trạng của dự án Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM). Theo bà Loan, dự án đã đền bù được 95%, tuy nhiên còn 5% diện tích đất vẫn chưa thể thương lượng đền bù với người dân vì mức giá các hộ dân đưa ra rất cao, không phù hợp thực tế.

Bà Loan kể lại, chứng nhận chấp thuận chủ trương đầu tư tại dự án này của Quốc Cường Gia Lai đã hết hạn vào tháng 8/2020. Trước đó, công ty đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng với mức ký quỹ 370 tỷ đồng, tức 10% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, nếu làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, công ty phải ký quỹ tới 6.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng quy mô đầu tư dự án 60.000 tỷ đồng. 

Năm 2017, công ty đã 4 lần gửi văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường yêu cầu giao đất để làm hạ tầng vì riêng phần đất này đã đền bù 100%. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa được giao đất để triển khai hạ tầng trên dự án Bắc Phước Kiển.

Thêm vào đó, từ năm 2020, chính sách pháp luật liên quan đến đất đai lại thay đổi, không còn chủ trương giao đất để doanh nghiệp làm hạ tầng. Dự án Bắc Phước Kiển có quy mô trên 50 ha nên phải trình Thủ tướng. Muốn trình được, dự án lại phải đền bù hết cho 100% người dân. Đưa ra nhiều dẫn chứng, bà Loan nhấn mạnh các thủ tục pháp lý vẫn còn ách tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp bất động sản.

CEO Quốc Cường Gia Lai nói về cái may trong cái rủi ở siêu dự án tại TPHCM - 1

Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan (Ảnh: QCG).

"Không phải công ty không xoay xở được tiền nhưng người dân yêu cầu giá đền bù rất cao. Nếu muốn, Quốc Cường Gia Lai có thể huy động tổng lực và vay vốn để trả lãi ngân hàng để đền bù. Tuy nhiên, vay xong, trả lãi lại không biết các thủ tục pháp lý khi nào mới xong sẽ mang lại rủi ro cho công ty", nữ CEO chia sẻ.

Bà Loan lấy ví dụ nếu vay 2.000 tỷ đồng để quyết tâm đền bù bằng được 5% đất còn lại tại dự án Bắc Phước Kiển. Với tỷ suất khoảng 10%/năm, công ty sẽ phải trả khoảng lãi vay ngân hàng 200 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận những năm gần đây của Quốc Cường Gia Lai chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ đồng/năm.

"Đây là bài toán khó, chậm nhưng chắc. Đến bây giờ tôi lại cảm thấy đã đi đúng hướng. Dự án Bắc Phước Kiển hiện có giá trị quỹ đất rất cao, là tài sản vô giá của công ty. Nếu vội vàng vay để chịu áp lực lãi suất, doanh nghiệp có thể đã bán dự án này với giá rẻ", nữ CEO chia sẻ.

Bà Loan cũng nói thêm dù biết ơn công ty Sunny Island đã đầu tư nhưng phía đối tác đầu tư chưa thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng chuyển nhượng. Đây cũng là lý do mà Quốc Cường Gia Lai đưa đối tác Nhật ra trung tâm trọng tài quốc tế. Theo bà, công ty phải có cơ sở vững chắc để tin tưởng sẽ thắng vụ kiện nên mới đâm đơn và nộp án phí 10 tỷ đồng.

Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh số 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Quốc Cường Gia Lai đã thu về 733 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 59 tỷ đồng. Trong năm 2022, dự kiến HĐQT doanh nghiệp sẽ đặt chỉ tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và khoản lãi 120 tỷ đồng.