APEC 2017: Khó công bằng giữa các loại hình kinh doanh mới và truyền thống

(Dân trí) - Phải tìm giải pháp đảm bảo sự công bằng để làm sao kiểu kinh doanh truyền thống không bị loại bởi loại hình kinh doanh mới hay tạo ra loại kinh doanh không lành mạnh; đồng thời, vừa khuyến khích kinh doanh truyền thống thay đổi, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện. Đây là thách thức đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh ở các nền kinh tế APEC cũng như toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ một trong những chủ đề được Nhóm công tác về Chính sách và Luật Cạnh tranh của APEC (CPLG) đặc biệt quan tâm tại các cuộc họp nhóm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) của năm APEC 2017 đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.


Nhóm CPLG của APEC tập trung tìm giải pháp để làm sao đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh mới và truyền thống

Nhóm CPLG của APEC tập trung tìm giải pháp để làm sao đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh mới và truyền thống

Nhiều loại hình kinh doanh mới như taxi Uber có khả năng phá hủy mô hình truyền thống

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Hội nghị chuyên đề về hoạt động kinh tế - chính sách kinh doanh của Nhóm CPLG tại SOM 1 quy tụ rất nhiều chuyên gia hàng đầu từ Hoa Kỳ, EU, Australia… Đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế đối tác đã cùng thảo luận những vấn đề mới phát sinh và chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh.

Các chuyên gia nêu ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, mua bán oline,..Những cách thức kinh doanh như vậy nó khác với kinh doanh truyền thống, ví dụ như dịch vụ Taxi Uber là một mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh gay gắt và có khả năng phá huỷ mô hình kinh doanh taxi truyền thống. Vậy phải làm sao các mô hình kinh doanh này vẫn tồn tại nhưng bảo đảm cạnh tranh công bằng và điều tiết như nhau, không để xảy ra tình trạng mô hình kinh doanh này nạp thuế, mô hình kia không nộp thuế, một bên có chính sách bảo hiểm, một bên lại không…

“Phải tìm giải pháp đảm bảo sự công bằng để làm sao kiểu kinh doanh truyền thống không bị loại bởi loại hình kinh doanh mới hay tạo ra loại kinh doanh không lành mạnh; đồng thời, vừa khuyến khích kinh doanh truyền thống thay đổi, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện. Đây là thách thức đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh ở các nền kinh tế APEC cũng như toàn cầu” - ông Cung nhấn mạnh vấn đề Hội nghị tập trung bàn thảo.

Giảm sự méo mó tạo ra bởi chính sách để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Hội nghị đã ghi nhận sáng kiến, đề xuất gì góp phần nâng cao chính sách cạnh tranh của khu khu vực APEC. Các đại biểu đề xuất việc sử dụng các công cụ kinh tế để phân tích thị trường và từ đó đưa ra những bằng chứng, dựa trên những nghiên cứu thực chứng trong việc đánh giá các trường hợp cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh hay phản cạnh tranh. Đặc biệt nhấn mạnh các luật sư luôn sử dụng các công cụ kinh tế, các thực chứng có nghiên cứu để phán xét.

Ngoài ra, hội nghị lần này cũng chia sẻ kinh nghiệm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh.

Chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ một trong những thách thức lớn là phải làm sao giảm sự méo mó của thị trường, sự méo mó bởi chính sách, méo mó tạo ra bởi các doanh nghiệp nhà nước để có một môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm ở các nước trong việc tạo ra tính trung lập của các doanh nghiệp nhà nước, không có thiên vị, làm sao bỏ hết mọi thiên vị cho doanh nghiệp nhà nước, có sự cạnh tranh công bằng như các doanh nghiệp khác.

Khánh Hiền