Áp thuế TTĐB với đồ uống có đường: Cần phân loại rõ và lấy ý kiến nhân dân
(Dân trí) - Trước đề xuất đưa đồ uống có đường, thức uống đại mạch vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp bày tỏ lo ngại và đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này.
Bộ Tài chính đang dự kiến bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với lý do thức uống này gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Làm rõ khái niệm "đồ uống có đường"
Chia sẻ tại hội thảo diễn ra ngày 15/3, ông Chris Vanloon - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Đà Nẵng - bày tỏ quan ngại nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm này.
Theo ông, hiện không có định nghĩa thế nào là "đồ uống có đường". Do đó, đề xuất này của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ có thai, người già, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh...
"Việc áp thuế đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân", ông Vanloon nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - cũng đề nghị cần định nghĩa "đồ uống có đường" và phân loại rõ sản phẩm nào thuộc diện áp thuế. Theo ông, coi đường là "tội phạm" gây ra thừa cân, béo phì là không đúng, vì chúng ta đang sống nhờ những sản phẩm có đường như sữa bò, hoa quả.
Dưới góc độ dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng cũng cho rằng chưa có nghiên cứu nào cho thấy có mối liên quan duy nhất giữa đồ uống có đường với bệnh thừa cân béo phì. Theo bà, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, bao gồm ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, đồ ăn nhanh, các thực phẩm có chứa đường trên đường phố.
Có giảm thừa cân, béo phì?
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Thái Vương - Trưởng tiểu ban Nước giải khát của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam - cũng cho rằng, hiện nay không có bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.
Theo ông Vương, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh việc áp thuế TTĐB đối với sản phẩm có đường không làm giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Ở những quốc gia áp thuế TTĐB với đồ uống có đường như Hungary, Pháp, Mexico, tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, những tác động tiêu cực đối với các ngành kinh tế của chính sách này lớn hơn nhiều so với mức thuế có thể thu về cho ngân sách Nhà nước.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương thực hiện năm 2018, sắc thuế mới sẽ khiến doanh thu và sản lượng của ngành đồ uống không cồn giảm 3.928 tỷ đồng, kéo theo tác động lan tỏa đến 21 ngành khác.
Đại diện một số doanh nghiệp như Heineken, Coca-Cola cũng có những ý kiến. Bên thì cho rằng việc áp thuế TTĐB đối với thức uống đại mạch là không hợp lý hay việc đề xuất mở rộng bổ sung đồ uống không cồn vào đối tượng không chịu thuế TTĐB sẽ không khuyến khích bất cứ khoản đầu tư, đổi mới nào đối với các sản phẩm ít cồn hoặc không cồn. Bên thì bày tỏ quan ngại về việc mở rộng phạm vi chịu thuế TTĐB sang đồ uống không cồn và đồ uống có đường.
Từ góc độ pháp lý, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ, cho rằng cần xem xét vấn đề này dưới tác động về mặt kinh tế - xã hội thật kỹ lưỡng. Việc xây dựng dự án luật thuế TTĐB này liên quan đến việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng, nên không chỉ lấy ý kiến từ phía các doanh nghiệp mà còn phải lấy ý kiến cả nhân dân.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - cũng cho rằng việc bổ sung thêm loại đồ uống có đường, thức uống đại mạch cần phải được đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kiến đa chiều, mọi mặt. Mục tiêu trao đổi thấu đáo, rõ vấn đề, gắn với các kinh nghiệm quốc tế, cũng như các thứ tự ưu tiên trong quản lý chính sách.