Áp giá trần cho sữa: Cũng chỉ để dọa?

Giá trần cho sữa từng là giấc mơ của các nhà quản lý hồi năm 2009, nhưng rồi, giấc mơ này tan biến khi chính cơ quan quản lý cho rằng thật khó áp đặt đầu ra và lợi nhuận cho một thị trường đang cạnh tranh khốc liệt, có hàng trăm dòng sản phẩm.

Vậy, lần này tuyên bố có thể áp trần giá sữa lại được nêu lên để làm gì?  

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Phức tạp quá, nắm không hết?

 

“Luật giá có 7 biện pháp để bình ổn, nhưng chúng tôi đang tính đến biện pháp áp giá trần cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi”, chia sẻ này của ông  Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính như một tuyên bố mạnh mẽ về việc chấn chỉnh thị trường sữa.

 

Nếu so với các hình thức đăng ký giá, kê khai giá…, việc áp giá trần được xem là giải pháp rắn mặt nhất trước tình trạng ồ ạt tăng giá sữa hiện nay. Nhưng liệu tuyên bố này có thể thực thi được không?

 

Theo một chuyên gia trong ngành này, tính giá trần cho sữa là điều không đơn giản.  Bộ Tài chính ít nhất sẽ phải có tính được giá thành sản xuất của các mặt hàng sữa, chi phí nhập khẩu, thuế, lợi nhuận định mức... của doanh nghiệp sữa.  Song, thị trường sữa rất đa dạng, có tới hàng trăm chủng loại, dòng sản phẩm khác nhau thì Bộ Tài chính biết lấy dữ liệu kiểu gì để tham chiếu và đưa ra một công thức chuẩn tính giá trung bình?

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 54 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa, chưa kể có hàng trăm tổng đại lý phân phối sữa, trong đó, 70% thị trường vẫn phụ thuộc vào nguồn sữa ngoại.

 

Mỗi hãng sữa và mỗi một quốc gia có một tiêu chuẩn, bí quyết công nghệ riêng. Theo thời gian, các hãng sữa cải tiến nâng cao chất lượng như bổ sung axit DHA, ARA, rồi bổ sung vi sinh vật có lợi Probiotics, các vi chất, khoáng chất, vitamin… Theo đó, giá sữa của các dòng này có thể chênh nhau để cả trăm ngàn đồng.

Quản lý bất lực, dân còng lưng với giá sữa.
Quản lý bất lực, dân còng lưng với giá sữa.

 

Vị chuyên gia này cho rằng, khi chính nhà quản lý còn mù mờ về chi phí đầu vào thì sẽ không thể nào đưa ra một công thức tính giá cơ sở chung cho tất cả các loại sữa, càng không thể chia tách, tính riêng giá cơ sở cho mỗi một dòng sữa được.

 

Chính bởi vậy, khi thấy lãnh đạo Cục giá ra tuyên bố, nhiều DN sữa chẳng mấy lo sợ. Bởi chính họ biết rằng, nếu bàn chuyện giá trần cho sữa thì chẳng khác nào, các nhà quản lý ngành giá đang tự ôm rơm nặng bụng, lao đầu vào đá.

 

Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có mặt hàng xăng dầu và điện đang chịu điều tiết theo cơ chế giá trần. Và hai mặt hàng này khác biệt lớn so với sữa.

 

Đơn cử như ở xăng dầu, mặt hàng này có sự đồng nhất cao trên thị trường thế giới, với 4 chủng loại, có quy chuẩn chung về hàm lượng lưu huỳnh, trị số ốc-tan như nhau. Vì vậy, việc ban hành công thức giá cơ sở cho mặt hàng này có phần dễ dàng hơn.

 

Cuối năm 2009, Vụ Chính sách thuế đã từng trình Bộ Tài chính dự thảo về việc tính giá tối đa cho sữa. Trong đó, mức giá tối đa được áp theo từng… nhãn hàng, ví dụ như áp cho sữa Nestle, Abbott… nhưng rốt cục, đề xuất này đã chết yểu cũng chính vì những lý do trên.

 

Bó tay và tuyên bố cho hay?

 

Nếu như bài toán tính giá trần được tiên liệu sẽ bế tắc thì các điều luật hiện hành cũng đang cho thấy, tuyên bố tính giá trần cho sữa của Bộ Tài chính có vẻ như không vững chắc.

 

Theo Luật Giá và Nghị định 177 hướng dẫn Luật này, sữa không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá… Muốn đưa sữa vào giai đoạn cần áp dụng biện pháp bình ổn, tức là Nhà nước có thể can thiệp hành chính việc tăng giảm giá, Bộ Tài chính sẽ phải chứng minh được, giá mặt hàng này đang có biến động bất thường, tăng giá quá cao so với đầu vào, hoặc mất cân đối cung cầu, tác động xấu đến sản xuất đời sống nhân dân. Kèm theo đó, Bộ sẽ phải đảm bảo bù đắp chi phí cho doanh nghiệp trong trường hợp gây lỗ.

 

Tuy nhiên, với mức CPI tháng 2 chỉ 0,55%, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay thì Bộ Tài chính sẽ khó mà tìm được lý do để trình Thủ tướng đưa sữa vào giai đoạn cần can thiệp.

 

Thêm nữa, như chính các chuyên gia từ Cục quản lý giá cho biết, sữa không có Quỹ bình ổn giá như xăng dầu, đa phần là doanh nghiệp ngoại. Chắc chắn, ngân sách Nhà nước sẽ không thể bỏ tiền ra để bù lỗ cho các doanh nghiệp ngoại quốc bán sữa ở Việt Nam.

 

Bởi thế, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính tâm tư: “Áp giá trần không đúng luật, các doanh nghiệp có thể kiện ngay”.

 

Cũng trong tuần qua, các bộ ngành đều đã công bố các kế hoạch để trị doanh nghiệp sữa. Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị cho một cuộc điều tra sơ bộ về hành vi phản cạnh tranh, hay như cơ quan thanh tra Bộ Tài chính sẽ truy xét nghi vấn chuyển giá. Thế nhưng, một thực tế là, tất cả các hướng “xử tội” tăng giá ồ ạt của doanh nghiệp sữa này theo các cách trên đều đã từng được tính đến trước đây và đều phải chấp nhận thất bại.

 

Cục Quản lý cạnh tranh chủ yếu giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau, đến nay chưa tìm được chứng cứ nào về việc thông đồng, liên kết, làm giá. Việc điều tra chuyển giá ở các doanh nghiệp sữa đi vào ngõ cụt vì lần nào thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp đều chứng minh được chi phí của mình.

 

Trong khi đó, giải pháp mạnh nhất hiện nay để răn đe đối với các doanh nghiệp sữa tăng giá bất thường là minh bạch các vi phạm về tài chính của doanh nghiệp thì Bộ này lại không nhắc tới.

 

Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã cử 4 đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sữa, truy thu được 10 tỷ đồng, song cho đến nay, kết quả thanh tra này vẫn nằm trong “hộp đen”.

 

Lần duy nhất Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra doanh nghiệp sữa là cuối năm 2009. Khi đó, sữa Nestle và Mead Jonhson “bị phát hiện” đã đẩy chi phí quảng cáo, tiếp thị quá cao, tới 30-40% làm tăng giá sữa. Các mức này đã gấp từ 10-19 lần so với tỷ lệ bị khống chế. Các đợt thanh, kiểm tra còn lại, giá sữa tăng luôn được chính bộ này thừa nhận là “không bất thường”.

 

Theo Phạm Huyền

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước