Các công ty sữa ăn lời vô tội vạ trên lưng người tiêu dùng

(Dân trí) - Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, 5 công ty chiếm 90% thị phần sữa trẻ dưới 6 tuổi đang lãi rất lớn. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi người dân, ông Dũng đề nghị Chính phủ khống chế giá trần sữa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Vụ "đột kích" tiệm vàng: Công an phải trả lại số ngoại tệ tạm giữ

* Bộ trưởng Y tế: “Tôi không nghĩ đến từ chức ngay”

* Các công ty sữa ăn lời vô tội vạ trên lưng người tiêu dùng

* Ông Nguyễn Bá Thanh: Không khoan nhượng với tham nhũng

Ngày 29/4, tại phiên Chính phủ họp thường kỳ tháng 4, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo kết quả kiểm tra 5 công ty chiếm 90% thị phần sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi gồm Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam.

Trong đó 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phần phân phối gồm Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Mead Johnson Nutrition Việt Nam; 2 công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa gồm Vinamilk, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam. 5 công ty có hình thức bán hành chủ yếu là mua đứt bán đoạn qua hệ thống đại lý phân phối sản phẩm tới khách hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết các công ty sữa đang lãi lớn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết các công ty sữa đang lãi lớn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thanh tra cho thấy cuối 2013 và 3 tháng đầu 2014, có 3 công ty kê khai giá và tăng giá bán gồm Mead Johnson Nutrition Việt Nam đã tăng 16/24 sản phẩm từ 12/12/2013 với mức tăng từ từ 11-30,66%; Vinamilk tăng 27/32 sản phẩm từ 10/2/2014, và tăng 5/32 sản phẩm từ 1/4/2013 với 7-14%; Nestle Việt Nam từ 11/24 sản phẩm từ 1/2/2014 với mức tăng từ 5-9%.

Có 2 công ty kê khai tăng giá nhưng đến 14/4 chưa tăng, gồm Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam và Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam. Ông Dũng cũng cho biết, qua thanh tra cho thấy các công ty thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Việc kê khai giá của Công ty Nestle Việt Nam có sai phạm, kê khai giá thiếu 3/24 sản phẩm. Ngày 10/1, công ty kê khai giá 12 sản phẩm và tăng giá 11 từ 1/12. Cục Quản lý giá đã có văn bản đề nghị công ty yêu cầu giải trình vào hồ sơ kê khai giá, tuy nhiên Công ty vẫn thực hiện tăng giá bán. Số tiền chênh lệch giá bán tăng 11 sản phẩm này từ 1/2/2014 đến 31/3/2014 là hơn 5 tỉ đồng.

Theo ông Dũng chi phí sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em cũng có những sai phạm, trong đó sai phạm liên quan đến hành chính, Bộ Tài chính sẽ xử phạt hành chính. Còn đối với những chi phí bất hợp lý, hợp lệ như chi phí quảng cáo quá lớn, Bộ Tài chính sẽ tính toán để thu thuế lợi tức.

“Tình hình tăng giá quá lớn! Qua kiểm tra thấy các công ty đang lãi lớn từ 23% trong năm 2013. Từ thực tế đó, cũng như để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và qua tìm hiểu kinh nghiệm các nước, Bộ Tài chính đề nghị khống chế giá trần sữa”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhận định các công ty sữa thu lợi nhuận từ 23 % là quá lớn. Do vậy, ông Nhân đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khống chế giá trần sữa để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính. “Chủ trương như vậy là các đồng chí đồng ý. Nhưng Bộ Tài chính phải làm việc với Bộ Tư pháp để cố gắng làm thật chặt chẽ về mặt pháp luật, sau đó thông tin rõ ràng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thông báo tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 29/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết, cùng ngày, cơ quan này đã ký 5 kết luận thanh tra với 5 doanh nghiệp sữa trên. Bộ Tài chính cũng yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa nêu trên phải chấn chỉnh toàn thị trường và yêu cầu nghiêm các pháp luật về giá, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra cũng “hé lộ” các đại gia ngành sữa chi “khủng” cho khâu phân phối. Theo đó, các chi phí chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị đã vượt mức khống chế 10% so với chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số tiền vượt mức tại 4/5 công ty là 386 tỷ đồng (tùy theo từng doanh nghiệp).

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp rà soát giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đảm bảo phù hợp chi phí và lợi nhuận của sản phẩm này. Đồng thời với việc căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng các biện pháp bình ổn giá quy định tại Điều 17 của Luật Giá.

Ngày 28/4, Bộ Tài chính có tờ trình Chính phủ đề xuất phương án đăng ký giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian đăng ký là 6 tháng. Thứ hai, căn cứ vào khoản 7 điều 17, thực hiện các biện pháp áp giá tối đa với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian áp dụng trong 12 tháng.

Chia sẻ tại phiên họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp sữa nên chia sẻ lợi nhuận, khi mà giá sữa quá cao đang mang lại cho các doanh nghiệp này nguồn thu chênh lệch đến 20-30%. Theo Bộ trưởng Nên, đây là mặt hàng mà nhà nước cần quan tâm bảo trợ. Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia, như Mỹ, Thái Lan cũng có những cách quản lý của họ theo hướng không thả lỏng giá sữa.

Với việc áp trần giá sữa lần này, Bộ trưởng cho biết, mỗi hộp sữa sẽ giảm tới 50.000-70.000 đồng và bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho 10 triệu trẻ em trên cả nước.

Quang Phong - Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước