1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sự thật đằng sau mức lãi khủng của các "đại gia" sữa

(Dân trí) - Đằng sau việc liên tục tăng giá sữa đến mức cao nhất gần 31% chỉ trong hơn 1 năm, một phần không nhỏ là do các "đại gia" sữa đã đổ tiền vượt mức quy định cho quảng cáo, tiếp thị... và khiến người tiêu dùng phải "gánh" những khoản tiền khổng lồ này.

Giá sữa tăng cao ngất ngưởng (ảnh minh họa).
Giá sữa tăng cao ngất ngưởng (ảnh minh họa).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Những phát ngôn gây “sóng gió” của doanh nhân Việt

* Kiểm tra tải trọng - nhiều doanh nghiệp gỡ khó

* Lời xin lỗi của Thủ tướng

* MHB thông qua kế hoạch lợi nhuận tăng 22%

Theo kết quả thanh tra được công bố chiều qua 29/4, Bộ Tài chính đã yêu cầu 5 doanh nghiệp được thanh tra là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) cần thực hiện ngay việc rà soát, tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị đã chi vượt mức quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 4/5 công ty, với số tiền là 386 tỷ đồng.

Các chi phí chi vượt này đã làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18% đến 16,39%.

Cụ thể, công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng; Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng; Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ đồng; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành).

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, 5 công ty sữa bị thanh tra đều có việc điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4% mặt hàng tăng cao nhất là 30,668%.

Cụ thể, năm 2013 có 4 công ty tăng giá 1 lần và 1 Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) tăng giá 2 lần. Mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4% mặt hàng tăng cao nhất là 30,668%. Riêng 3 tháng đầu năm 2014, có 2/5 công ty đã tăng giá bán là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, từ ngày 10/2/2014 tăng giá 27/32 sản phẩm, từ ngày 1/4/2014 tăng giá 5/32 sản phẩm với mức tăng từ 7% -14% và Công ty TNHH Nestle Việt Nam, từ ngày 1/2/2014 tăng giá 11/24 sản phẩm với mức tăng từ 5% - 9%.

Thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết, 5 công ty sản xuất, kinh doanh sữa chiếm thị phần khoảng 90% các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Có 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối và có 2/5 công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước.

Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đã được xác định đối với từng công ty.

Theo đó, Bộ xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, vi phạm quy định. Ngày 17/4/2014, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 62 xử phạt vi phạm hành chính về giá với mức xử phạt là 45 triệu đồng.

Cùng với đó, Bộ phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2013 với số tiền trên 10,2 tỷ đồng. Bao gồm: Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu phải nộp hơn 5,2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần sữa Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT phải nộp trên 2,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là gần 1,9 tỷ đồng. Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) kê khai thiếu thuế GTGT phải nộp là trên 317 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ đang xem xét để xử lý theo qui định đối với số tiền phải trả về phí bản quyền, các khoản thu hộ, chi hộ tại Công ty TNHH Nestle Việt Nam.

Như tin đã đưa, cũng trong chiều qua, tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 4/2014 của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã công bố con số "giật mình" về mức lãi của các công ty sữa, theo đó các công ty này đều có mức lãi từ 23% trở lên trong năm 2013.

Qua đó, Bộ Tài chính đã đề nghị áp trần giá sữa và ngay lập tức nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp trần giá sữa sẽ giúp mỗi hộp sữa giảm giá tới 50.000-70.000 đồng và bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho 10 triệu trẻ em trên cả nước.

An Hạ

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước