Ảnh hưởng giá thế giới, giá vàng trong nước bất ngờ bật tăng rất mạnh

An Hạ

(Dân trí) - Phiên giao dịch cuối tuần sáng nay 29/8, giá vàng thế giới bật tăng mạnh tiến về mốc 2.000 USD/ounce đã kéo giá vàng SJC lên sát 57 triệu đồng/lượng.

Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 29/8, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 55,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,6 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

Tại TPHCM, giá vàng SJC hiện được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 55,8 triệu đồng/lượng - 56,9 triệu đồng/lượng.

So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC hiện giữ nguyên chiều mua vào nhưng tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra và chỉ còn một nhịp tăng nữa là vọt qua mốc 57 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tăng lên mốc cao do ảnh hưởng bởi xu hướng tăng trên thế giới. Lúc 9h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com giao dịch ở mức 1.963,3 USD/ounce.

Ảnh hưởng giá thế giới, giá vàng trong nước bất ngờ bật tăng rất mạnh - 1

Giá vàng bật tăng cao trong phiên giao dịch cuối tuần (ảnh: Sơn Tùng)

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2020 tăng 42,3 USD/ounce (tương đương 2,2%), lên 1.974,9 USD/ounce.

Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo thay đổi định hướng chính sách vào ngày thứ năm được xem là yếu tố đầu tiên hỗ trợ cho giá vàng đi lên. Theo đó, việc làm và lạm phát sẽ được chấp nhận để tăng nóng hơn trước, đồng nghĩa với việc lãi suất chuẩn sẽ được duy trì thấp trong thời gian dài hơn so với trước đây.

Ngoài ra, giá vàng tăng bật trở lại do đồng USD yếu, đồng yên mạnh lên sau thông tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức do lý do sức khỏe.

Cẳng thẳng Mỹ - Trung cũng làm dấy lên những quan ngại về việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục có những động thái mới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế.

Giới chuyên gia cảnh báo, một cuộc chiến thương mại mới nếu nổ ra vào lúc này sẽ là đòn “nốc ao” đối với nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào trạng thái suy thoái, khủng hoảng. Điều này đã làm gia tăng nhu cầu tài sản đảm bảo trên thị trường, trong đó có vàng, qua đó thúc đẩy giá vàng tăng mạnh.

Tình trạng kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đã tạo ra quá nhiều thách thức. Các nền kinh tế lớn trên thế giới không chỉ hạ lãi suất mà còn tung ra các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu đạt hiệu quả, các gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tăng niềm tin của xã hội vào triển vọng cơ hội đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp…, từ đó giảm bớt sức hấp dẫn và dòng tiền trú ẩn vào vàng.

Ngược lại, chúng cũng sẽ kéo theo nguy cơ giảm giá các đồng tiền và gia tăng sức ép nợ cộng và lạm phát tiền tệ trên cả phạm vi quốc gia và toàn cầu… Tất cả điều đó tạo cộng hưởng động lực biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị được tin cậy và ưa chuộng nhất hiện nay.