Ăn 5.000 tỉ đồng, sao còn bắt dân làm “con tin”?

Vì sao 90 triệu người dân Việt Nam phải mua đường với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới? Vì sao ngành mía đường ì ạch, không ngóc đầu lên nổi? Vì sao người nông dân trồng mía quá khổ?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Câu trả lời đã có từ hàng chục năm trước: Do ngành mía đường được bảo hộ, được nuông chiều nên chẳng khác nào một đứa bé “bố mẹ bế mãi trên tay nên không biết đi”.

Vì được bảo hộ bằng đủ cách, từ hàng rào thuế quan, lãi suất ưu đãi đến hạn chế tối đa nhập đường…, nên ngành đường trong tâm thế ỉ lại, thụ động, không chịu đổi mới. Hệ quả tất yếu mà ai cũng thấy: Công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, không có vùng nguyên liệu ổn định và bức xúc nhất là người dân, doanh nghiệp luôn phải mua đường với giá cao ngất ngưởng.

Trên báo Thanh Niên, một chuyên gia trong ngành đường tính toán, người dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với giá đường thế giới.

“Với mức tiêu thụ năm 2014 khoảng 1,3 triệu tấn đường, người tiêu dùng nội địa phải trả thêm cho khoản chênh lệch giá này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng”, chuyên gia này nói.

Hệ quả rõ rành rành, nhưng vì sao nghành mía đường liên tục đòi được bảo hộ và được bảo hộ? Mỗi khi giá mía, giá đường giảm, ngành này lại thuyết phục Nhà nước rằng cần bảo hộ để “bảo vệ nông dân, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp trong nước”. Có điều, thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú có lý khi nói thẳng “các nhà máy đường chưa quan tâm chia sẻ lợi ích khi giá cao, lúc giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai nông dân”.

Quả thật, điệp khúc chặt mía, mía chết khô trên đồng, đốt mía, phá mía, nông dân khóc bên cánh đồng mía…không còn là điều xa lạ. Những khi nông dân trồng mía rơi vào thảm cảnh, doanh nghiệp trồng mía ở đâu, sao không thấy “bảo hộ” mà để nông dân một mình bơ vơ trong cơn bỉ cực?

Người hưởng lợi thực sự từ chính sách bảo hộ không khác là một nhóm lợi ích tham gia vào ngành mía đường chứ chắc chắn không phải là những đối tượng mà ngành này luôn đưa ra làm “lá chắn”, làm “con tin” biện minh cho việc bảo hộ.

Chỉ còn khoảng 3 năm nữa, năm 2018, theo cam kết hội nhập chung của các nước ASEAN, thuế nhập khẩu đường sẽ không còn. Thế nên, con đường duy nhất để ngành mía đường tồn tại là phải cạnh tranh lành mạnh thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Nếu tiếp tục thụ động, ỉ lại chắc chắn sẽ bị đào thải.

Và cũng đã đến lúc Nhà nước không nên dùng ý chí để can thiệp mà hãy để thị trường thực hiện chức năng “bàn tay vô hình” của nó, nhằm tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải “đổi mới hoặc là chết”. Nếu tiếp tục để ngành mía đường lấy nông dân làm “con tin” cho các yêu sách phi lý của mình, thì họ sẽ không bao giờ lớn nổi, và giá đường sẽ luôn cao đến mức phi lý.

Bài học thành công của nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành không phải do được Nhà ước o bế bảo hộ, nuông chiều mà là nhờ cạnh tranh sòng phẳng, năng động trong cơ chế thị trường. Và câu chuyện bảo hộ ngành ô tô xe máy nhưng nó cứ mãi èo uột vẫn còn mang tính thời sự.

Theo Đình Long
Một Thế giới
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”