Vì sao Hiệp hội mía đường "lép vế" trong cuộc chiến với bầu Đức?
(Dân trí) - Với công nghệ Trung Quốc mang lại hiệu suất thấp, chất lượng thấp, ngành mía đường trong nước đang lép vế so với khu vực và ngay cả với mía Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào. Mỗi vụ mía, nông dân thu chưa tới 2 triệu đồng/ha.
Thu nhập bèo bọt, người nông dân dần bỏ mía sang trồng các loại nông sản khác.
Tại báo cáo cập nhật về ngành mía đường, Chứng khoán Sacombank (Sacombank-SBS) đánh giá, mùa vụ năm nay sẽ vẫn tiếp tục khó khăn khi nhiều địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt năng suất kém hơn mọi năm.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Đây là một trong bốn vùng chính sản xuất mía đường tại Việt Nam bên cạnh Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, ĐBSCL là khu vực trồng mía nhiều nhất do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp.
SBS cho hay, giống mía trồng tại Việt Nam có nguồn gốc khoảng 90% là từ nước ngoài, tuy nhiên do chế độ canh tác chưa khoa học và kỹ thuật còn lạc hậu nên năng suất chưa đạt được so với tiềm năng thật sự của giống mía có thể mang lại.
Trong niên vụ mía 2012-2013 vừa qua, năng suất mía trung bình của việt Nam là 64 tấn/hecta. Nếu so sánh với Thái Lan khoảng 100 tấn/ha. Về năng suất đường thì Brazil hiện sản xuất 10 tấn đường/ha mía còn Việt Nam chỉ 4-5 tấn đường/ha mía.
Do phần lớn các nhà máy ép mía của Việt Nam đều đầu tư công nghệ của Trung Quốc nên hiệu suất thu hồi đường thấp hơn. Cụ thể, một tấn mía nguyên liệu các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 90kg đường, thấp hơn 10% so với công nghệ của các nước. Từ năng suất, chất lượng mía thấp, cộng thêm hiệu suất thu hồi đường cũng thấp nên đẩy giá thành lên cao.
Giá thành gấp 3 lần Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào
Về kỹ thuật canh tác, nếu như ở nước ngoài trong canh tác mía tỷ lệ cơ giới hóa 80-90% thì tại Việt Nam, tỉ lệ cơ giới hóa chỉ ở mức 10-20%, chủ yếu ở khâu làm đất trồng, còn lại chủ yếu làm bằng tay.
Hiện giá bán mía nguyên liệu chỉ ở 850 đồng/kg cho mía 10 CCS, nhưng thực tế chỉ được 9 CCS (trữ đường CCS của Việt Nam bình quân khoảng 10, trong khi các nước CCS 12-16), tức là được khoảng 760-770 đồng/kg sau khi trừ đi công chặt 150 đồng/kg thì người nông dân chỉ thu về 600 đồng/kg.
Tại báo cáo này, SBS chỉ ra một thực tế, đó là nếu tính theo lãi trên một ha, nông dân thu khoảng 15-20 triệu đồng/ha trong vòng 1 năm, cao hơn có thể đạt tới 30 triệu đồng và rất ít nơi mang về 50 triệu đồng một ha.
Như vậy, nếu đem chia cho thời gian 10 tháng mỗi vụ, nông dân trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng, thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Do nguồn thu quá ít nên nông dân không thể đầu tư máy móc thủy lợi để nâng cao năng suất được.
Có một điểm đáng lưu ý đó là giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và gấp từ 2,4-2,9 lần so với giá mía Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào, do đó doanh nghiệp rất khó trụ vững khi thuế nhập khẩu đường bằng 0% có hiệu lực từ năm 2015 (theo cam kết của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-AFTA).
Nông dân bỏ mía
Theo thông tin từ VSSA, trong vụ vừa qua, các nhà máy đường đã bảo hộ giá mía cho nông dân dù giá đường vụ 2012-2013 xuống rất thấp. Mía là cây nông nghiệp được các nhà máy đường bao tiêu 100% nên nông dân vẫn duy trì cây trồng này.
Tuy nhiên tại một vài địa phương, theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau… diện tích trồng mía ở các địa phương này đã giảm đến vài ngàn ha.
Chỉ tính 3 tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, diện tích đã giảm hơn 1.500 ha. Tại Hậu Giang, diện tích giảm nhiều nhất tập trung ở xã Vĩnh Viễn A (H.Long Mỹ) và các xã vùng trũng của H.Phụng Hiệp. Tương tự, tại các huyện Duyên Hải, Trà Cú và Tiểu Cần (Trà Vinh), diện tích trồng mía cũng đang giảm. Theo phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2013 - 2014, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 13.000 ha (giảm 1.260 ha).
Định hướng của ngành đến năm 2015 chỉ giữ lại khoảng 10.000 ha mía nhằm đảm bảo đủ cung cấp nguồn nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Những vùng không có điều kiện canh tác, ngành sẽ kết hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển sang trồng màu, lúa hay cây ăn trái mang tính bền vững hơn.
Tồn kho năm 2013 trên 500.000 tấn
Báo cáo của SBS cho thấy, ngành đường vừa trải qua đợt tồn kho kỷ lục với trên 500.000 tấn, kéo dài suốt từ tháng 5 trở lại đây.
Sau khi Bộ Công Thương đồng ý cho xuất khẩu cả đường tinh luyện RE, các doanh nghiệp mới giải tỏa phần nào lượng đường sang Trung Quốc. Thời điểm đường tồn kho tăng cao nhất, Bộ Công Thương đã cho các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường cả hai loại RS và RE.
Hiện tại, do đường dự báo sẽ tiếp tục tồn kho cao trước niên vụ mới, VSSA lại kiến nghị được xuất thêm 165.000 tấn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch ở Lào Cai.
Theo tính toán của VSSA, sản lượng đường niên vụ mới dự báo khoảng 1,6 triệu tấn. Đường tồn kho vụ trước hơn 140.000 tấn, cùng với đường nhập theo hạn ngạch khoảng 70.000 tấn trong khi lượng tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu tấn.
Dự báo, lượng đường tồn kho đợt mới lên đến trên 500.000 tấn vào tháng 12 tới.
Bích Diệp