Ai đứng sau thoả thuận “khủng” gần 3.000 tỷ đồng cổ phiếu Vinaconex?
(Dân trí) - Với khối lượng thoả thuận lớn, nhiều khả năng xuất phát từ các nhóm cổ đông lớn. Đáng nói là khối lượng thoả thuận này đúng bằng tổng sở hữu của Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest.
VCG thoả thuận cực “khủng” đúng bằng sở hữu của nhóm Cường Vũ, Star Invest
Đặt giữa bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn thiên về sự thận trọng và giao dịch dò dẫm, cổ phiếu VCG của Vinaconex trong sáng nay (14/8) trở thành một điểm sáng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Mã này tăng trần lên 29.000 đồng và mang lại cho HNX-Index 0,18 điểm, nhờ đó HNX-Index không bị giảm sâu.
Cụ thể, sáng nay VCG tăng 2.600 đồng lên 29.000 đồng, khớp lệnh đạt 1,07 triệu cổ phiếu. Đồng thời, mã này còn được thoả thuận cực “khủng” tới 105,565 triệu cổ phiếu, giá trị thoả thuận đạt 2.512,45 tỷ đồng.
Phiên hôm qua, VCG cũng đã có diễn biến tương tự với mức tăng trần 10% và được thoả thuận 21,9 triệu cổ phiếu tổng giá trị 473,04 tỷ đồng.
Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu được sang tay bằng phương thức thoả thuận trong hôm qua và sáng nay ở VCG đạt trên 127,46 triệu đơn vị, tổng giá trị thoả thuận 2.985,85 tỷ đồng.
Với khối lượng giao dịch thoả thuận lớn, nhiều khả năng đây là các giao dịch từ các nhóm cổ đông lớn là An Quý Hưng (nắm 254,9 triệu cổ phiếu tương đương 57,71% vốn điều lệ VCG) và Cường Vũ (nắm 94 triệu cổ phiếu tương đương tỉ lệ 21,28%) hoặc Đầu tư Star Invest (nắm 33,45 triệu cổ phiếu tương đương tỉ lệ 28,98%).
Trong đó, khối lượng được thoả thuận đúng bằng tổng khối lượng sở hữu của Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest tại VCG (hai tổ chức có liên quan tới Địa ốc Phú Long).
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, trong văn bản gửi Hội đồng quản trị tại phiên họp đại hội đồng thường niên năm 2020 của Vinaconex, nhóm Cường Vũ và Star Invest đã đồng tình với chủ trương tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Nhóm này cho rằng với thực trạng tài chính, kinh doanh yếu kém và tương quan tỷ lệ sở hữu vốn của các thành viên hiện hữu là 50/50, Vinaconex chỉ có thể lựa chọn phương án duy nhất là đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại.
Tuy nhiên, Cường Vũ và Star Invest cũng cho rằng phương án Vinaconex đàm phán để mua toàn bộ vốn tại An Khánh JVC là không khả thi, bởi Phú Long chia sẻ không có nhu cầu bán phần vốn sở hữu.
An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora). Ban đầu doanh nghiệp này gồm 2 pháp nhân góp vốn là Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) mỗi bên nắm 50%. Sau đó, Posco E&C đã chuyển nhượng cho Địa ốc Phú Long.
Trong một động thái mới nhất, Hội đồng quản trị Vinaconex đã quyết định sẽ thoái toàn bộ phần góp vốn điều lệ tại An Khánh JVC.
VN-Index gặp khó trước ngưỡng 860 điểm
Không khí căng thẳng vẫn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán sáng nay (14/8) với tình trạng rung lắc và giằng co ở cả 3 chỉ số.
VN-Index gặp khó trong việc duy trì đà tăng, tạm đóng cửa với biên độ tăng bị thu hẹp còn 0,79 điểm tương ứng 0,9% lên 855,84 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,64 tương ứng 0,54% còn 116,23 điểm và UPCoM-Index sụt nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,1% còn 56,81 điểm.
Thống kê cho thấy, có tổng cộng 341 mã tăng giá, 59 mã tăng trần trên toàn thị trường so với 329 mã giảm, 32 mã giảm sàn. Đồng thời, hiện vẫn còn có 867 mã không có giao dịch nào.
Thanh khoản đạt 159,29 triệu cổ phiếu tương ứng 2.719,66 tỷ đồng trên HSX và 26,27 triệu cổ phiếu tương ứng 299,47 tỷ đồng trên HNX. Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 13,22 triệu cổ phiếu tương ứng 146,99 tỷ đồng.
Mặc dù không có mã nào có diễn biến giá vượt trội và kéo thị trường, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu lớn vẫn đang làm tốt vai trò dẫn dắt. Bằng chứng là chỉ số VN30-Index tăng 1,89 điểm tương ứng 0,24% lên 796,98 điểm.
Trong rổ này, có 13 mã tăng, 14 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu. Tuy vậy, trong số này, SAB tăng 4.100 đồng còn 187.100 đồng; VNM tăng 1.100 đồng lên 117.500 đồng; PNJ và MWG cùng tăng 1.000 đồng, VHM, VIC, HDB, TCB, VRE… cũng đều đang tăng giá.
Ở chiều ngược lại, VCB, BID, MSN, CTG, HPG… lại giảm giá. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng của những mã này lên VN-Index là không lớn.
Trong báo cáo phân tích thị trường, Công ty chứng khoán BVSC dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần.
Áp lực rung lắc có thể xuất hiện trong phiên kế tiếp khi chỉ số dao động trong vùng kháng cự 852-858 điểm, tuy nhiên, về xu hướng tổng thể, BVSC vẫn kỳ vọng vào khả năng chỉ số sẽ kéo dài đà tăng hiện tại với đích đến tiếp theo nằm tại vùng kháng cự 876-883 điểm trong ngắn hạn.