Ai chịu được ghế nóng CEO ở FPT?

Không ai biết được ngoài chính ông Trương Đình Anh rằng ông sẽ “theo lao” hay “quy ẩn” khỏi vị trí CEO của FPT sau kì nghỉ phép kéo dài đến hai tháng. Dự đoán từ bên ngoài có thể cho là 50-50.

Từ trái sang: Bà Chu Thanh Hà, ông Trương Đình Anh và ông Nguyễn Thế Phương.
Từ trái sang: Bà Chu Thanh Hà, ông Trương Đình Anh và ông Nguyễn Thế Phương.

 

Có một số ý kiến từ nội bộ FPT cho rằng,  khả năng nghiêng về 40-60 hoặc chỉ là 30-70… Chính vì thế, dù muốn hay không thì HĐQT FPT cũng phải tính đến việc chuẩn bị nhân sự cho chiếc “ghế nóng” khi khả năng cuối cùng là 0-10, nghĩa là ông Trương Đình Anh không ở lại.

 

Áp lực khủng khiếp

 

Ông Trương Đình Anh tuyên bố cam kết các chỉ tiêu tăng trưởng, cũng là tự làm khó mình khi tự tạo ra áp lực. Từ đó, HĐQT FPT đã đưa ra mục tiêu quá cao, thêm một áp lực thứ hai. Và áp lực thứ ba, cổ đông và dư luận nhìn vào một cách đầy kỳ vọng vào vị CEO tuổi đời 41.

 

Một người có tài làm ăn, mạnh mẽ và quyết liệt như ông Trương Đình Anh mà còn rút lui, thì có lẽ dù người nào có tài năng đến mấy mà kế vị “ghế nóng” CEO FPT thay ông, cũng sẽ cảm thấy đầy áp lực và khó có thể tránh được áp lực khủng khiếp.

 

Áp lực ở đây không chỉ là những con số lạnh lùng và vô hồn về chỉ tiêu tăng trưởng phải đạt cho được, mà thực sự còn cần đảm trách cả một sứ mệnh hàn gắn nội tình và nội bộ.

 

Nội tình và nội bộ đó từng khá êm ả trong thời kì “trị vì” của cựu CEO Nguyễn Thành Nam. Tính ông  Nam xuề xòa, luôn ăn nói vui vẻ và khôi hài trong đối nhân xử thế hay cả trong quan hệ, ngược hẳn với tính cách của Trương Đình Anh.

 

Nhưng quan trọng hơn, thời kì ông Nam làm CEO các Cty thành viên không bị bóp bị quản đến cảm thấy ngột ngạt như thời kì tập quyền “One FPT” của Trương Đình Anh, đặc biệt là những gì liên quan đến chi tiêu, tiền nong, quyền lợi, đãi ngộ…

 

Không chỉ có FPT Telecom

 

Những năm trở lại đây, các nhánh mang lại lợi nhuận lớn cho FPT không chỉ có FPT Telecom là nơi Trương Đình Anh cai quản và tỏa sáng, mà còn có Cty Hệ thống thông tin (FIS). Từ vị thế nhỏ yếu của dăm năm trước còn “xếp re” dưới Pythis, gần đây FIS lớn mạnh lừng lững trở thành anh cả thực sự trong lĩnh vực này.

 

Công ty phần mềm FPT (FSOFT) cũng thế. Giờ đây trở thành Cty phần mềm nhiều kĩ sư nhất VN… Họ, ăn nên làm ra, mà chi thì bị bó buộc, khác nào bị kiềm bị xiết mất quyền tự chủ, thì làm sao có thể vui vẻ cho được?

 

Không vui vẻ và hài lòng thì nội tình gợn sóng nội bộ lục đục. Chính vì thế, CEO kế vị Trương Đình Anh có thể cũng phải đối mặt với sứ mệnh “an dân” FPT với hơn 10.000 con người, và phải xử lí những chính sách trong nội bộ, đặc biệt như đã nói là những thứ liên quan đến quyền lợi giúp tái tạo sức lao động của nhân viên, cần hài hòa và mềm dẻo khéo léo hơn.

 

Như thế cũng có nghĩa là, phải vứt bỏ ngay từ trong trứng nước suy nghĩ lên chức CEO từ một Cty thành viên nào đó là phải “bình định” các Cty còn lại. vấn đề này Trương Đình Anh đã đụng mạnh.

 

Và nếu HĐQT thuận theo 100% tư tưởng của Trương Đình Anh thì khả năng va đụng có thể còn lớn hơn.

 

Cộng đồng FPT hầu như thời kì nào cũng có những người tài, người giỏi, người quái. Họ không dễ gì chấp nhận ai đó mới lên chấp chính chơi rắn ngay.

 

Ngay cả thời kì ông Trương Gia Bình còn kiêm chức CEO, FPT cũng có những mềm mại nhất định. Hay ở phía nam là ông Hoàng Minh Châu, trình diễn cho giới truyền thông một gương mặt lãnh đạo FPT sinh động, gần gũi, vui vẻ… dù rằng ông Châu không được đánh giá cao về tư duy kinh doanh và thậm chí có những “bài ca con cá” khá nhàm chán.

 

Theo Thụy Lâm

Lao động