Giới làm ăn xôn xao khi CEO FPT nghỉ phép 2 tháng

(Dân trí) - Ông Trương Đình Anh nghỉ phép với lý do cá nhân. Việc nghỉ phép của ông Đình Anh diễn ra trong bối cảnh FPT khép lại 6 tháng đầu năm với kết quả không đạt kỳ vọng và bị đặt dưới sức ép "trảm tướng" của Chủ tịch Trương Gia Bình.

Ông Trương Đình Anh là Tổng giám đốc thứ 3 của FPT.
Ông Trương Đình Anh là Tổng giám đốc thứ 3 của FPT.

Trao đổi với Dân trí sáng nay (14/8), nguồn tin từ Công ty cổ phần FPT (mã HoSE: FPT) cho biết, hiện Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Trương Đình Anh đang trong quá trình nghỉ phép 2 tháng, kéo dài từ đầu tháng này đến hết tháng 9. Nguồn tin khẳng định không có việc CEO 42 tuổi của họ sẽ rời chiếc ghế ông đang ngồi.

Ban điều hành đương nhiệm của Tập đoàn FPT hiện gồm Tổng giám đốc Trương Đình Anh và 2 Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương và Chu Thị Thanh Hà. Trong thời gian ông Trương Đình Anh vắng mặt, tạm thời điều hành FPT là bà Chu Thị Thanh Hà. Trước đó, bà Hà giữ chức Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom từ tháng 8/2009.

Thông tin nghỉ phép dài ngày của ông Trương Đình Anh được đưa trong bối cảnh thị trường rộ lên tin đồn ông Đình Anh tạm dừng chức vụ Tổng giám đốc FPT. Trước đó, ngày 1/8, Tổng giám đốc FPT cũng đã vắng mặt trong buổi gặp gỡ với 52 nhà đầu tư để thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Ông Trương Đình Anh nhậm chức Tổng giám đốc thứ 3 của FPT thay ông Nguyễn Thành Nam vào ngày 25/3/2011 với tham vọng "One FPT". Ông Đình Anh được "người FPT" nhắc đến với sự "táo bạo và thực dụng", "tôn thờ chủ nghĩa hoài nghi".

Tại thời điểm nhậm chức, ông Đình Anh đã khẳng định mục tiêu của FPT là tăng trưởng lợi nhuận gấp 4 lần trong 4 năm từ 2011 đến 2014, lọt vào danh sách Top 500 doanh nghiệp hàng đầu của Forbes Global 2000 do Tạp chí Forbes bình chọn.

Ông Đình Anh từng cam kết, sẽ nỗ lực để FPT cán mốc tăng trưởng 30%/năm cho năm 2011 và đẩy tốc độ tăng trưởng lên trên 40% trong năm 2012.

Tuy nhiên, kết thúc năm vừa rồi, năm bản lề của chiến dịch "One FPT", doanh thu hợp nhất tập đoàn mới chỉ đạt hơn 97% so kế hoạch điều chỉnh tăng giữa năm và tăng gần 27% so năm 2010. Trong năm này, FPT không đạt được mục tiêu tăng trưởng 30% ở mảng doanh thu phân phối và sản xuất các sản phẩm công nghệ (chỉ tăng 22%).

Chiến lược OneFPT với tham vọng của Tổng giám đốc Trương Đình Anh là hướng FPT trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam. Từ giữa tháng 9, tập đoàn này đã tiến hành tái cấu trúc ba công ty thành viên là Công ty Cổ phần Thương mại FPT (FPT Trading), Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) và Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software). Song với một số kết quả không đạt mục tiêu mong đợi thì năm bản lề One FPT đã không như kỳ vọng.

Sang 2012, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận FPT chỉ tăng nhẹ so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 6%. Trong đó, mảng dịch vụ viễn thông tăng trưởng 32%, dịch vụ online tăng trưởng doanh thu 122%, phát triển phầm mềm tăng trưởng 15%, dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng 30% cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực tích hợp hệ thống, với lợi nhuận 99 tỉ đồng, lại suy giảm so cùng kỳ 2011, được lý giải do nhu cầu mua sắm hệ thống công nghệ thông tin bị hạn chế trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cùng với đó, lĩnh vực phân phối và sản xuất các sản phẩm công nghệ tiếp tục giảm 3%.

Một điều đáng lưu ý là từ năm ngoái, mặc dù là một năm hoạt động khó khăn với cả nền kinh tế, các tập đoàn khác đều tính đến cắt giảm tối đa nhân sự thì, FPT vẫn tăng 5,4% số nhân sự so với đầu năm lên 12.969 người trong năm 2011, tiếp tục tăng lên 13.790 người đến thời điểm 30/6/2012.

Không đạt mục tiêu kỳ vọng, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT công ty hồi cuối tháng 7 đã ký quyết định quy định, lãnh đạo đơn vị do nguyên nhân chủ quan không hoàn thành trên 80% kế hoạch sẽ bị xem xét miễn nhiệm chức vụ. Đây được coi là áp lực lớn lên các "tướng" của FPT trong giai đoạn nửa cuối năm.

Mặc dù đối mặt với tin đồn trên, song cho đến nay, FPT chưa có thông tin chính thức nào cải chính và dập tắt. Lý do nghỉ phép của ông Trương Đình Anh là "lý do cá nhân".

Cổ phiếu FPT từ mức 64.000 đồng hôm 14/5, sau chia tách, giá còn 49.500 đồng vào ngày sau đó (trở lại mức giá tương đương hồi đầu năm) đã gần như chưa bứt lên được quá mức giá 50.000 đồng trong 3 tháng trở lại đây. Trước đó, trong giai đoạn từ đầu năm đến 15/5, FPT vẫn đều đặn xu hướng tăng giá. Theo FPT, việc giá giảm là do FPT chia cổ tức 2011 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại với tỷ lệ 25% (04 cổ phần hiện hữu được chia thêm 01 cổ phần mới). Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được đưa ra sau ĐHĐCĐ hồi tháng 4/2012.
 
(Nguồn: HoSE).
(Nguồn: HoSE).
Mai Chi