Đà Nẵng:

600 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết

(Dân trí) - Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân và bình ổn trong dịp Tết Quý Tỵ, UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng giá trị 600 tỷ đồng.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 25/11/2012, đã có 11 công ty, đơn vị đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2013 với tổng giá trị gần 235 tỷ đồng bao gồm các mặt hàng như thực phẩm chế biến, đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm các loại, bánh kẹo, bia, nước giải khát, rau quả, thực phẩm tươi sống... Trong đó, Công ty có mức dự trữ hàng hóa trị giá cao nhất là Metro Cash&Carry Việt Nam 54,69 tỷ đồng. Ngoài ra Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng dự trữ 50 tỷ đồng, CN Công ty Vissan tại Đà Nẵng dự trữ gần 44 tỷ đồng, Công ty Xuất nhập khẩu Intimex 27,2 tỷ đồng, Siêu thị Big C 23 tỷ đồng, CN Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam tại Đà Nẵng 15 tỷ đồng...
 
Đà Nẵng dự trữ 600 tỷ đồng hàng hóa phục vu nhu cầu mua sắm của người dân và bình ổn Tết Quý Tỵ
Đà Nẵng dự trữ 600 tỷ đồng hàng hóa phục vu nhu cầu mua sắm của người dân và bình ổn Tết Quý Tỵ

Bên cạnh đó, hơn 5.400 tiểu thương tại 8 chợ lớn ở Đà Nẵng cũng đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng dự trữ khoảng 100 tỷ đồng.
 
Đối với mặt hàng gạo, Đà Nẵng có kế hoạch dự trữ 1000 tấn gạo. Ngoài ra, công ty Cp lương thực Đà Nẵng dự trữ 180 tấn gạo, nếp để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
 
UBND TP Đà Nẵng cũng tạm ứng 4 tỷ đồng không tính lãi trong vòng 60 ngày cho Công ty TNHH Đắc Vinh để dự trữ 35 tấn thịt heo thành phẩm bán phục vụ nhân dân tại 13 điểm trên địa bàn thành phố và 2 xe lưu động phục vụ các điểm nóng với giá thịt bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 10% - 15%. Hỗ trợ chi phí tổ chức 2 xe bán hàng lưu động đến 2 xã miền núi với mức giá bằng giá bán lẻ của các DN sản xuất tại Đà Nẵng và hỗ trợ siêu thị Co.opmart tổ chức 2 đợt đưa hàng đến các KCN Hòa Khánh và KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang.
 
Ông Lữ Bằng, PGĐ Sở Công Thương cho biết, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2013 đa dạng và phong phú, đảm bảo cho bà con mua sắm thoải mái, không sợ thiếu hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng nên giá bán lẻ một số mặt hàng như bánh, mứt, hạt dưa, đường, sữa, trứng, thịt heo, thịt gia cầm sẽ tăng nhẹ vào những ngày cuối năm. Đặc biệt năm nay, Sở phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập đội cơ động phản ứng nhanh nhằm ứng phó với tình trạng mua bán lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, nâng giá, gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu…
 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương yêu cầu các chợ, siêu thị kéo dài thời gian bán hàng trong ngày để phục vụ nhân dân. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu, gas phải đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn hàng cho người tiêu dùng và phải luôn túc trực, kéo dài thời gian bán hàng về đêm. Nếu nhà cung ứng không cung ứng đủ xăng dầu cho các điểm kinh doanh xăng sẽ bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh.
 
Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khỉ mỏ hóa lỏng; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh và các chợ trên địa bàn thành phố.
 
Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái nhãn mác, thương hiệu, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gây mất ổn định thị trường. Đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
 
Cũng theo ông Lữ Bằng, Sở Công Thương cương quyết xử lý các Trung tâm thương mại, siêu thị, BQL các chợ nếu để xảy ra tình trạng hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc hàng giả, hàng không nhãn mác… tuồn vào nơi đơn vị quản lý kinh doanh.
 

Khánh Hồng - Thu Hằng