500 tấn vàng trong dân: “Hút” và… mất hút

Hiệp hội kinh doanh vàng VN vừa có đề xuất với NHNN thành lập sàn giao dịch vàng. Trước đó đúng 1 ngày, UBND thành phố HCM cũng đã gửi đề xuất tới NHNN về nội dung trên.

500 tấn vàng trong dân: “Hút” và… mất hút - 1

Cụ thể, tại văn bản gửi đi, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, việc áp dụng Nghị định 24 của Chính phủ và các Thông tư liên quan giúp công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của NHNN đã đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.

Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại, Hiệp hội lại cho rằng có nhiều quy định không còn phù hợp. Ông Long chỉ rõ: Doanh nghiệp chịu nhiều tốn kém, rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp khi chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC; Làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; Tạo ra sự bất cập, rủi ro về chất lượng và pháp lý cho người dân; Tạo giấy phép con cho các doanh nghiệp…

Do đó, ông Long kiến nghị phải sửa đổi Nghị định 24 theo hướng bãi bỏ quy định cấp giấy phép đối với các hoạt động sau: nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để tái xuất khẩu; Nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Đối với việc đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh vàng miếng và thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN là phù hợp, nhằm tránh tạo ra giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém về thời gian, chi phí và mất cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời cần làm rõ các hoạt động kinh doanh vàng thuộc “hoạt động kinh doanh vàng khác” nhằm tránh tạo ra kẽ hở và tạo ra cơ chế xin cho không cần thiết.

Bên cạnh đó Hiệp hội cũng đề nghị NHNN nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng; đồng thời góp phần huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.

Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội Kinh doanh Vàng đưa ra đề xuất này.

Cùng với nội dung tương tự, Uỷ ban Nhân dân TP HCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án cho tổ chức được huy động nguồn vàng nhàn rỗi từ dân cư để phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng kiến nghị có những giải pháp xử lý vi phạm việc nhập khẩu vàng từ cửa khẩu biên giới.

Huy động vàng trong dân tạo nguồn lực đầu tư thúc đẩy kinh tế xã hội là câu chuyện được Hiệp hội Kinh doanh vàng và cả Ngân hàng nhà nước nhắc tới nhiều năm nay. Và mới đây nhất tại cuộc trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đích than Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế.

Con số đồn đoan 500 tấn vàng đang ở trong dân dù chưa xác thực vẫn được đánh giá là một nguồn lực rất lớn. Nhưng dường như, trong khi chưa có một giải pháp tối ưu để “hút” nguồn vốn này ra thị trường thì hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu.

Cần lưu ý rằng, giá vàng thế giới phụ thuộc rất lớn vào các quốc gia đầu cơ như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… Việt Nam là nước nhỏ, gần như không có vàngdự trữ, nếu tham gia vào thị trường giao dịch vàng thế giới sẽ gần như rơi hoàn toàn vào thế bị động. Thậm chí có thể phải bù lỗ rất lớn, nếu cứ chạy theo thị trường vàng thế giới.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Trong khi trình độ quản lý của chúng ta còn quáthấp, cơ chế chính sách lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, minh bạch thì ngay lúc này chưa phải là thời điểm chín muồi để thực hiện chủ trương huy động vàng.

Trên thực tế, Nghị định 24 của Chính phủ dù đã có những kết quả nhất định nhưng để đạt được mục tiêu cao hơn, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế thì cần sớm có một giải pháp căn cơ, bài toán tổng thể từ NHNN nếu không chủ trương “hút” vàng trong dân sẽ vẫn… mất hút!

Theo Phan Nam
Diễn đàn Doanh nghiệp