40,9% doanh nghiệp Việt chưa biết gì về TPP

(Dân trí) - Hiểu biết về hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thua cả các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar. Ngay cả hiệp định thương mại thế kỷ như TPP đã hoàn tất đàm phán nhưng có đến 40,9% doanh nghiệp Việt chưa biết TPP là gì.

Tâm thế đối phó

Kết quả dự án nghiên cứu khảo sát “Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và Trường doanh nhân PACE công bố ngày 28/12 khiến nhiều người… giật mình khi có đến 40,9% doanh nghiệp (DN) không biết Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là gì. Ngay cả Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015 mà các doanh nghiệp cũng khá… mù mờ.

Nhiều hội thảo cung cấp thông tin về hội nhập được tổ chức nhưng nhận thức của DN Việt Nam về TPP, AEC... còn khá mù mờ
Nhiều hội thảo cung cấp thông tin về hội nhập được tổ chức nhưng nhận thức của DN Việt Nam về TPP, AEC... còn khá mù mờ

Theo kết quả khảo sát, DN Việt Nam ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế. Có tới 56,8% DN chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến AEC, 40,9% DN không quan tâm và chưa biết đến TPP; 33,4% chưa biết tới WTO (Tổ chức Thương mại thế giới).

Cụ thể hơn, có tới 85,5% DN không nắm được điều khoản cụ thể của AEC và tỉ lệ này với TPP là 77,8%. Có 81,5% DN không biết đến một trong những mục tiêu quan trọng của cộng đồng AEC là hướng đến sản xuất thống nhất; 57% DN không biết một trong những nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên...

Theo đánh giá, nhận thức và hiểu biết về hội nhập của DN Việt Nam có cải thiện hơn 2 năm trước so với báo cáo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhưng vẫn còn thua cả các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Myanmar.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho rằng, kết quả khảo sát trên cho thấy nhận thức hội nhập của DN Việt Nam là quá thấp, chưa sẵn sàng với hội nhập. “Phải chăng do tâm thế của DN lâu nay là đối phó chứ không phải chinh phục các thị trường khác, ngay cả thị trường gần gũi và dễ tính nhất như ASEAN. Nếu còn xem ASEAN là nước ngoài thì khó nói chuyện hội nhập”, ông Trung nói.

Việt Nam hưởng lợi gì từ TPP?

Tại hội nghị phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do cho lãnh đạo các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ diễn ra ngày 28/12, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, tác động của TPP tự tin nói rằng, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Theo đó, Hiệp định này có thể giúp Việt Nam tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.

Chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ gặp không ít áp lực khi vào TPP
Chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ gặp không ít áp lực khi vào TPP

Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… giảm thuế suất nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu. Không chỉ ngành dệt may, da giày mà các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có cơ hội “vươn ra biển lớn”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì sức ép cạnh tranh lên lĩnh vực nông nghiệp sẽ khốc liệt nhất. Dù Việt Nam là nước có nền nông nghiệp lâu đời nhưng còn manh mún, thủ công. Trước đòi hỏi của hội nhập thì một trong những điều tiên quyết là phải ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu này không dễ thực hiện trong một sớm một chiều. Vì thế, để người nông dân có thời gian chuẩn bị, thịt lợn, gà… sẽ được đàm phán với lộ trình 10 năm. “Việt Nam là một nước nông nghiệp thì không có lý do gì không thể thắng trong lĩnh vực này”, ông Khánh nói.

Trước nhận thức còn hạn chế trong xu thế hội nhập, ông Trần Quốc Khánh cảnh báo rằng, DN Việt Nam nên chủ động hơn trong hội nhập và đừng quá trông chờ vào Nhà nước. Đừng để nước đến chân vẫn chưa nhảy!

Công Quang

 

40,9% doanh nghiệp Việt chưa biết gì về TPP - 3