Đoàn kết doanh nghiệp Việt:
Doanh nghiệp Việt: "Cứ thích làm thuyền thúng, sao địch lại cá mập"
(Dân trí) - Nhiều người ví von, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu lắm cả năng lực cạnh tranh với nước ngoài lẫn sự đoàn kết trong quốc gia. Họ chỉ như những chiếc thuyền thúng nhưng lại đang hăm hở hừng hực khí thế vươn ra biển lớn đầy sóng gió và bão tố.
Thuyền thúng sao có thể ra biển lớn?
Nhắc về chuyện đoàn kết doanh nghiệp Việt, một giám đốc doanh nghiệp lớn tại Việt Nam phải thốt lên đầy ngán ngẩm pha lẫn xót xa: "Khó lắm, cực kỳ khó. Gì chứ chuyện liên kết các ông chủ doanh nghiệp cùng hướng đến chia sẻ lợi ích là rất khó. Chúng tôi cũng kết hợp xây dựng những lớp đào tạo doanh nhân, nhưng chủ yếu là nơi đào tạo những kiến thức đơn thuần, thật khó tìm được những kinh nghiệm thực tế từ các tổng giám đốc (CEO), giám đốc tài chính (CFO)… Đặc biệt, hiện ở Việt Nam có không ít doanh nghiệp tồn tại được là nhờ vào các mối quan hệ thân quen”.
Về góc độ đoàn kết để hướng ra biển lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu hẳn trào lưu "cá mập" tập đoàn như của Hàn Quốc, Nhật Bản… Khi một doanh nghiệp lớn đi đầu tư ở nước khác, họ sẽ kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp “chân rết”, từ ngân hàng, bán lẻ, đến các doanh nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đi theo. Câu chuyện đầu tư của các doanh nghiệp Việt hiện nay chủ yếu đến từ các đột phá từ các doanh nghiệp tư nhân, tự thân mà có được.
Theo quan điểm của PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong sân chơi hội nhập hiện nay, môi trường đều bằng phẳng và là cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt. Rất nhiều ngành, nghề và doanh nghiệp Việt Nam có năng lực rất yếu về hội nhập như: không hiểu biết luật quốc tế, am tường thị trường, cán bộ nhân sự thiếu năng lực ngoại ngữ và tác phong, nghiệp vụ làm việc quốc tế…
TS. Sơn đánh giá, người Việt, doanh nghiệp Việt rất cởi mở, mến khách và muốn đi làm ăn ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, một điểm yếu của chúng ta chính là chưa có tính liên kết, không ai muốn ngồi cùng với ai vào một con thuyền để chia lợi nhuận, ai cũng muốn mình là một chiếc thuyền.
Nhắc đến doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, người ta thường ví chiếc thuyền thúng của ngư dân Nam Trung bộ, tròng trành hăm hở ra khơi nhưng trước mắt lại đầy phong ba, bão tố sẵn sàng đánh chìm tất cả. Đã là thuyền thúng, lại là đơn lẻ thì ra biển lớn làm sao được!?
Nhắc đến mối lo trước thềm những cuộc hội nhập lớn, TS Sơn nhấn mạnh: Trước mắt, Việt Nam sẽ hội nhập vào ASEAN thông qua cơ chế Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015, nơi đó, hơn 60% các hàng hóa thông thường của 10 nước ASEAN sẽ được xóa bỏ thuế quan về 0%.
Điều cần nhất lúc này là các doanh nghiệp Việt phải đoàn kết để giữ được thị trường, giữ được niềm tin hàng Việt trong mắt người Việt để rồi chinh phục thị trường các nước ASEAN. Nếu Việt Nam không cạnh tranh, không giữ được thị trường với các nước ASEAN thì đừng nói có thể cạnh tranh được với các nền kinh tế phát triển hơn như Hàn Quốc, 28 nước EU và Mỹ khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được xây dựng như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, FTA Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP) với Mỹ, Nhật, Singapore và nhiều nước phát triển khác…
Đầu tư ra nước ngoài vẫn là “độc cô cầu bại”
Vừa là người chủ doanh nghiệp, lại đứng vai trò là Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS Cao Sỹ Kiêm từng đau đáu trăn trở: “Để xây dựng chuỗi liên kết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam khó vô cùng, ai cũng muốn vào tất cả các hiệp hội nhưng chẳng ai biết rằng vào hiệp hội để làm gì. Bản thân các doanh nghiệp nhỏ rất cần dựa vào nhau để chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học và liên kết từ nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên, ai cũng muốn làm riêng, không ai muốn bí quyết kinh doanh của mình để người khác biết”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), tinh thần đoàn kết để chinh phục những thị trường, những vùng đất mới đang còn thiếu ở các doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân là do ở trong nước, họ cũng là các doanh nghiệp phát triển tự thân, khá biệt lập nên đầu tư ra nước ngoài không có thêm các doanh nghiệp khác theo là điều đương nhiên. Đa số các doanh nghiệp Việt đều chọn hình thức liên doanh, hợp tác với các công ty bản địa để kinh doanh, đây là chia sẻ rủi ro song cũng là cái khó của các doanh nghiệp ít vốn.
Ông Doanh nói thêm: “Trong kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu, để chinh phục những thị trường lớn đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao và phân phối sản xuất hợp lý. Dù có giỏi mấy song một doanh nghiệp không thể bao trọn tất cả một lĩnh vực được, đó là quy luật đi ngược lại với chuỗi sản xuất toàn cầu, đa phương hóa, đa dạng hóa”.
Nguyễn Tuyền