38.000 tỷ đồng dành xây nhà ở xã hội trên cả nước

(Dân trí) - Cả nước đã và đang có khoảng 110 dự án với 70.000 căn nhà ở xã hội (nhà cho công nhân, sinh viên, nhà thu nhập thấp) được xây dựng. Tổng số tiền đã và đang giải ngân cho phân khúc nhà ở này là khoảng 38.000 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện các dự án nhà ở xã hội và nguồn vốn thực hiện dự án trong thời gian qua và dự kiến sắp tới của Bộ Xây Dựng nhắc đến câu chuyện đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, đồng thời nghiên cứu cơ chế, vốn để "phá băng" phân khúc này sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực.

Theo đánh giá của Bộ Xây Dựng, trong 8 tháng đầu năm, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ được các bộ, ngành và doanh nghiệp thực hiện khá tốt, phần nào đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân tại các khu đô thị.

Bộ Xây Dựng khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai 110 dự án nhà ở xã hội đã và đang thực hiện trên phạm vi cả nước
Bộ Xây Dựng khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai 110 dự án nhà ở xã hội đã và đang thực hiện trên phạm vi cả nước

Hiện cả nước đã hoàn thành hỗ trợ vốn cho hơn 81.500 hộ người có công và đang triển khai hỗ trợ xây dựng hơn 10.500 hộ nữa. Nhà ở xã hội dành cho sinh viên có 88 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 200.000 sinh viên, 7 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Hơn 28.800 căn hộ nhà ở xã hội dành cho công nhân được xây dựng, với tổng vốn 6.800 tỷ đồng và cả nước đang có khoảng 64 dự án đã, đang và sẽ triển khai cho công nhân khu công nghiệp. Đáng nói nhất, các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tính đến nay đã có 58 dự án với 29.000 căn hộ và số vốn đổ vào phân khúc này cũng trên 10.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, hai loại hình nhà ở xã hội đang được xã hội kỳ vọng nhất và cũng có nhu cầu cao nhất là nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp và nhà thu nhập thấp tại các đô thị. Tuy nhiên, thời gian qua, các dự án nhà ở này phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn và địa điểm, khi nguồn vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được giải ngân, các dự án phát triển rất nhanh và tính thanh khoản rất tốt. Từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hết hạn cho vay và giải ngân, hầu hết các dự án loại hình trên vướng vào cảnh: không thể vay vốn tiếp tục triển khai hoặc hoạt động cầm chừng.

Tại buổi tiếp xúc mới đây giữa Hiệp hội BĐS Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà, vấn đề phát triển nhà ở xã hội được nhiều DN, hiệp hội BĐS thành viên quan tâm đặc biệt bởi trên thực tế nhà ở xã hội mới có lượng vốn lớn triển khai, nhưng sau đó bị dừng đột ngột, khiến hệ quả chính sách tác động ngược và nhu cầu xã hội đang tăng bỗng dưng giảm mạnh. Các vướng mắc được nêu ra là vốn và quy hoạch, hạ tầng của dự án.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, khi gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, các dự án phát triển rất mạnh, không còn nỗi lo chính sách nữa. Hàng loạt các dự án đồng loạt triển khai, hình thành nhiều khu nhà ở xã hội đẹp như: Từ Liêm, Hà Đông hay Việt Hưng (Hà Nội), Quận Tân Bình, Quận Bình Thạnh... TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi gói này hết hiệu lực giải ngân thì vay vốn của ngân hàng rất khó, đặc biệt bối cảnh Thông tư 36 của NHNN "siết" tín dụng vào BĐS, khiến nhiều ngân hàng giảm tín dụng vào lĩnh vực này. Nhiều dự án đổ bể, dang dở do không có vốn triển khai hoặc vay vốn quá đắt.

Trên thực tế, theo nghiên cứu của các hãng tư vấn bất động sản như Savils và CBRE, phân khúc nhà ở xã hội tại Việt Nam thời gian qua phát triển rất tốt, nhu cầu thực tăng cao, nợ xấu phân khúc này không có, ngoại trừ các dự án dở dang vì không lo được vốn vay.

Đặc biệt, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp ở hai thành phố lớn là Hà Nội đang ngày một nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng, trong khi đó, các tỉnh có công nghiệp phát triển như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai lại thiếu vắng các khu nhà ở cho hộ gia đình công nhân.

Theo một DN có nhiều dự án Nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội là phân khúc nhiều DN hướng tới bởi có thị trường, có chính sách. Tuy nhiên, vướng mắc lớn chính là "món ngon nhưng khó nhằn" vì dự án ở xa trung tâm, xa quy hoạch nên thiếu hạ tầng hoàn chỉnh. Về vốn vay, quy định chỉ các dự án nào được phê duyệt mới được hưởng chính sách vay vốn của các ngân hàng thương mại hay Ngân hàng Chính sách Xã hội... Trên thực tế, nhiều dự án nhà ở của địa phương duyệt, nhưng chưa nằm trong kế hoạch của trung ương, trong khi nhu cầu nhà ở cấp bách. Đây cũng là rào cản, gây khó cho nhiều doanh nghiệp địa ốc.

Nguyễn Tuyền