30.000 tỷ đồng không phải là gói "giải cứu" bất động sản
(Dân trí) - Bình luận gói 30.000 tỷ đồng là sự hỗ trợ của Chính phủ đối với người mua nhà phân khúc xã hội và thương mại giá rẻ, ADB cho rằng đây là sự can thiệp mang tính mục tiêu của Chính phủ chứ không phải là "giải cứu" BĐS với nghĩa chung chung.
Phiên họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra sáng nay (9/4/2013) bất ngờ dồn dập các câu hỏi liên quan đến quan điểm và khuyến nghị ADB đối với chính sách điều hành thị trường bất động sản Việt Nam giữa bối cảnh hiện nay.
Trong những năm vừa qua, với vai trò là một trong những đối tác đa phương lớn nhất, ADB cũng đóng vai trò một nhà tư vấn chính sách trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường chứ không cứu các doanh nghiệp BĐS yếu kém.
Tổ chức này cho rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể sẽ làm giảm bớt áp lực lên các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt. ADB ghi nhận những bước đi của Chính phủ trong nỗ lực cải thiện tình hình, "phá băng" bất động sản.
Theo đó hồi tháng 1 vừa rồi, Chính phủ đã công bố gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất, hoãn nộp phí sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, cơ quan điều hành còn áp dụng biện pháp tinh giản quy trình cấp giấy phép xây dựng.
Trước báo giới trong nước và quốc tế, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế về Việt Nam của ADB thẳng thắn đánh giá, gói cứu trợ (mà cụ thể là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà - PV) có thể sẽ tạo nên một mạng lưới an sinh, tuy nhiên, đối với toàn bộ ngành bất động sản, ADB không coi đây là một gói cứu trợ đủ lớn.
Lý giải sát hơn, ông Dominic cho hay, thị trường bất động sản là một khái niệm rất rộng, trong khi đó, gói cứu trợ của Chính phủ là một can thiệp mang tính mục tiêu, Chính phủ nhắm vào phân khúc nhà ở xã hội chứ không phải thị trường chung chung, càng không phải là phân khúc cao cấp của thị trường.
"Chúng tôi cho rằng không có lý do gì để Chính phủ phải cứu trợ những doanh nghiệp bất động sản đã thất bại. Thất bại là quy luật tự nhiên, khi họ yếu kém thỉ phải để họ nhận hậu quả về những sai lầm của họ" - ông Dominic khẳng định quan điểm.
Chuyên gia kinh tế của ADB cũng tái nhấn mạnh, "nếu Chính phủ đã xác định được đúng đối tượng của mình - những đối tượng dễ bị tổn thương và cần hỗ trợ hơn - thì gói hỗ trợ sẽ có tác dụng trong việc cung cấp mạng lưới an sinh ngắn hạn cho đối tượng này, còn nhiều phân khúc khác của thị trường không phải là mục tiêu của Chính phủ sẽ vẫn còn gặp khó khăn".
Tại Bản tin kinh tế vĩ mô số 8 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ban hành quý I/2013, cơ quan này khuyến nghị, Chính phủ cần phải đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải.
Điều này, theo Ủy ban Kinh tế, sẽ buộc các doanh nghiệp có liên quan phải tính toán sớm hạ giá, tranh để lợi nhuận bị ăn mòn hết bởi chi phí tài chính. Quan đó, giúp phá băng, tạo thanh khoản cho thị trường, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn.
Ủy ban Kinh tế cũng khẳng định, việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn găm giá hòng chờ một sự "giải cứu" từ phía Nhà nước là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch. Bởi, với quy mô hiện tại của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn. Hơn nữa, Nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì "lãi bỏ túi, lỗ sẽ có Nhà nước lo", tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.
Bích Diệp