1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp chăn nuôi, du lịch cũng... nhảy vào bất động sản

(Dân trí) - Các ngành nghề như chăn nuôi, mộc, lắp máy… đều có những tờ trình lên thành phố Hà Nội xin dự án nhà thương mại trong bối cảnh Hà Nội còn ế hàng nghìn căn hộ của phân khúc nhà này.

Cuối tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31/12/2014. Nhưng trước đó, hàng loạt đơn xin dự án nhà thương mại vẫn xếp hàng chật ních trên bàn làm việc của lãnh đạo thành phố…
 
Doanh nghiệp chăn nuôi, du lịch cũng xin... dự án nhà ở thương mại
Hà Nội đã phải tạm ngừng cấp các dự án kinh doanh chung cư mới vì đang tồn tới hàng nghìn căn hộ không bán được
 
Ngành ngành xin dự án
 
Từ Tết ra tới nay, hàng loạt dự án nhà thương mại vẫn tấp nập tìm đển các cơ quan ban ngành của Hà Nội để xin làm dự án.
 
Mới đây, Công ty Cổ phần Lắp máy tại phường Phú Thượng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình UBND thành phố phê duyệt dự án nhà ở thương mại và tái định cư của doanh nghiệp này tại phường Phú Thượng, quận Tây hồ. Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất thành phố cho phép công ty nói trên được sử dụng 10.773 m2 đất tại phường Phú Thượng để làm dự án theo quy hoạch thành hai khu, trong đó một khu sẽ xây dựng nhà chung cư cao tầng lẫn nhà thấp tầng, khu còn lại của dự án sẽ xây dựng nhà vườn thấp tầng trên diện tích hơn 700 m2.
 
Tiếp đó, Công ty Cổ phần Chế biến sản phẩm chăn nuôi Hà Nội cũng đã có công văn gửi UBND Thành phố xin được lập tổng mặt bằng và phương án thiết kế cho dự án nhà ở để bán tại số 29, ngõ 218 Lĩnh Nam (Hoàng Mai). Lô đất này có diện tích hơn 3.500m2.
 
Một công ty khác đang hoạt động trong ngành du lịch là Công ty Phát triển du lịch Long Biên đã thỏa thuận với một công ty của Bộ Quốc phòng đã đệ trình Thành phố Hà Nội thu hồi 1.007m2 đất tại 341 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) để giao cho mình xây trung tâm thương mại.
 
Trong những đơn xin được gửi tới lãnh đạo sở ngành để trình lên UBND TP Hà Nội, các công ty trên đều đưa ra những nhu cầu về nhà ở trong tương lai rất sáng sủa. Ngoài ra, các đơn vị này khi trình lên các sở, ngành quản lý của Hà Nội đều thể hiện quyết tâm để thực hiện dự án.
 
Một lãnh đạo của công ty chăn nuôi xin làm dự án nhà thương mại tỏ ra sốt ruột trước chủ trương  chủ trương di dời, chuyển mục đích sử dụng đất từ một năm trước nhưng tới hiện tại vẫn chưa được.  Bởi vậy, vị lãnh đạo này cho rằng sự chậm trễ trong phê duyệt của lãnh đạo thành phố “đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng kinh doanh cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ”.
 
“Xin rồi cũng để đấy, làm gì có tiền mà làm”
 
Trao đổi với PV, khi nói về các dự án bỏ hoang tràn lan tại Hà Nội, một lãnh đạo của bộ Xây dựng đã dùng từ “bát nháo” để nói về đủ loại thành phần chủ đầu tư của các dự án nhà ở hiện nay. Vị này nói vui cho rằng nếu nhìn sang Singapore sẽ thấy những ông chủ đầu tư làm các ngành nghể như mộc, chăn nuôi hay thủy sản sẽ chẳng có cửa, đơn xin dự án sẽ bị loại ngày từ vòng lấy vé gửi xe…
 
Còn trong cuộc trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng phụ trách Thị trường bất động sản của bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói thẳng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thị trường lâm vào khó khăn như hiện nay là thiếu quy hoạch và đặc biệt thiếu kế hoạch.
 
“Từ xưa đến nay trong luật của mình, trong các văn bản của mình đều bảo dự án này dự án kia đều bảo phát triển theo quy hoạch, chả ai nói đến kế hoạch cả. Nói cách khác, trong quy hoạch của mình không có trục thời gian”, ông Nam nói. “Đáng nhẽ, năm nay cấp từng này, năm sau cấp từng này, đến năm 2030 cấp thêm chút nữa. Cấp từng giai đoạn, để tương ứng với cầu”, ông Nam nói.
 
Mặt khác, ông Nam chỉ dẫn ra rằng các dự án cấp nhiều như vậy nhưng cũng không có tiền mà làm.
 
“Như vậy cấp đất xong thì trên giấy tờ, trên sổ sách cấp hết, hoặc là chấp thuận chủ trương cho dự án, trên thực tế nó là đồng ruộng là bãi cỏ, ra ngoài kia đất đầy”.
 
“Doanh nghiệp tranh thủ xin, để đấy, làm gì có tiền mà làm. Đền bù xong tiền đất cho dân là hết, còn đóng nghĩa vụ cho nhà nước thì không có tiền để đóng. Tiền để làm hạ tầng, cầu, đường, điện không có. Tiền để xây nhà cũng không có, huy động của dân được một phần và phải được điều kiện nào đó mới huy động. Không có nguồn lực để làm, nên dự án dở dang là như thế. Không có kế hoạch, mà có đủ tiền để làm cũng không có người mua”, vị lãnh đạo bộ Xây dựng nói tiếp.
 
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy trên địa bàn hiện nay đang tồn đọng 5.789 căn hộ, hơn 3.400 biệt thự và 17.500m2 sàn. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ sở Xây dựng Hà Nội để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà thành phố đang triển khai, việc mua lại căn hộ thương mại tồn đọng làm nhà tái định cư nhằm mục đích giải phóng bớt lượng hàng tồn đọng trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
 
Ông Tuấn nhấn mạnh, theo tính toán của UBND TP và các Sở ban ngành, để mua lại toàn bộ số căn hộ đang tồn đọng này cần phải có tiêu chí riêng. Cơ bản phải phù hợp quy hoạch, phù hợp cơ cấu căn hộ phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng....
 
Thành phố sẽ công khai các tiêu chí này trên báo chí để các doanh nghiệp có số căn hộ muốn bán được biết và đăng ký. Từ đăng ký chính thức, Thành phố sẽ thực hiện việc thẩm định giá theo giá thị trường để mua và giới thiệu người dân đến mua.
 
T.Chí