30.000 nhà hàng, quán cà phê đóng cửa, người Việt giảm uống cà phê cao cấp
(Dân trí) - Trong 6 tháng, khoảng 30.000 nhà hàng, quán cà phê đóng cửa. Mức chi 41.000-70.000 đồng cho mỗi lần mua đồ uống của người Việt tiếp tục tăng, trong khi chi cho đồ uống cao cấp giảm, theo một báo cáo.
Một nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho hơn 100.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê vừa công bố báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng qua. Theo báo cáo, tính tới hết tháng 7, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.
"Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. TPHCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, TPHCM ghi nhận giảm tới 5,97% số lượng cửa hàng. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%", trích từ báo cáo.
Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn dưới 3 tháng hoạt động đang xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn. Đồng thời, các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động dù có lượng khách trung thành lớn và thu nhập ổn định.
Mức chi cho việc "đi cà phê" cũng được ghi nhận giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, với tần suất cũng giảm đáng kể. Theo khảo sát trên 2.360 người tiêu dùng chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM, tình hình kinh tế khó khăn tác động đáng kể đến thói quen tiêu dùng cà phê của người Việt.
Có hơn 63% người tham gia khảo sát sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần chi tiêu cho cà phê. Trong đó, gần 57% sẵn sàng chi tiêu trong khoảng 41.000-70.000 đồng, tăng 11,5% so với năm 2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ người chi tiêu cho đồ uống cao cấp giảm, chỉ khoảng 6,4% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 70.000 đồng, thay vì 14% như trước. Trong đó, tỷ lệ chi tiêu cho đồ uống trên 100.000 đồng/ly giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Theo đó, có tới 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi cà phê, và 32,3% đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần.
"Phần đông người được hỏi cho rằng họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn do khó khăn của nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp đang làm việc. Điều này cũng cho thấy kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu", báo cáo cho biết.
Theo khảo sát, trên 60% người được hỏi chủ yếu chi tiêu khoảng 31.000-50.000 đồng cho bữa trưa, tăng tới 13,7% so với nghiên cứu năm 2023. Về bữa tối, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi 51.000-71.000 đồng cho một bữa tối tăng 5,7% so với năm trước, đạt 22,1%.
Thậm chí, có tới 14% người được khảo sát chi tiêu 71.000-100.000 đồng. Đáng ngạc nhiên hơn, 20% người còn sẵn sàng chi hơn 100.000 đồng cho một bữa tối, tăng 5,1% so với năm 2023.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B (dịch vụ ăn uống) vẫn đạt mốc 403.900 tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023", báo cáo cho biết.
Xét riêng các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam từ đầu năm, báo cáo cho biết doanh thu của các doanh nghiệp ngành này chứng kiến sự biến động mạnh. Tính tới tháng 6, có tới hơn 44,1% thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị chia sẻ không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua, và vẫn chìm trong xu hướng giảm doanh thu trong các tháng kế tiếp.
Việt Nam đang có khoảng gần 3 triệu nhân sự ngành F&B, trong đó, hơn 2,3 triệu người làm bán thời gian với mức lương trung bình 15.000-60.000 đồng/giờ đối với cấp quản lý cửa hàng (cà phê/trà sữa) và 11.000-40.000 đồng/giờ với nhân viên phục vụ.