3 công ty Việt nghi bị khách hàng ở Dubai lừa đảo, khe hở ở đâu?
(Dân trí) - Vụ việc tương tự như 3 công ty Việt nghi bị lừa được cho là diễn ra hàng ngày, giá trị tiền tỷ. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin đối tác và tỉnh táo để xử lý vấn đề.
Gần đây, vụ việc 3 doanh nghiệp ngành tiêu, điều và cây gia vị ở Việt Nam nghi bị một khách hàng là doanh nghiệp tại Dubai lừa đảo đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng.
Theo thông tin được cung cấp, cả 3 doanh nghiệp đều nhận tạm ứng 15% giá trị hàng rồi giao tới cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả lại container rỗng nhưng phía doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận được thanh toán 85% giá trị còn lại của lô hàng.
Các doanh nghiệp Việt và đối tác đã dùng phương thức trả tiền để được nhận chứng từ, tức là khi người mua nộp tiền cho ngân hàng để trả người bán thì ngân hàng mới giao bộ chứng từ để họ đi nhận hàng.
Trường hợp của các doanh nghiệp Việt Nam là bộ chứng từ của lô hàng đã được giao cho một nhân viên an ninh ngân hàng. Nhưng đến nay, bộ chứng từ chưa biết đi về đâu. Ngân hàng bên mua không thực hiện yêu cầu thanh toán và cũng không trả lại bộ chứng từ.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng mới phát đi thông tin đề nghị các doanh nghiệp hết sức cẩn trọng khi giao dịch với các khách hàng Dubai. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, doanh nghiệp cần chia sẻ và cập nhật với hiệp hội.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group, đơn vị dẫn đầu trong việc xuất khẩu các sản phẩm hồ tiêu, điều ra nước ngoài, chia sẻ một số góc nhìn.
Ông Thông chỉ ra lỗ hổng trong một số bước giao dịch của doanh nghiệp trong nước với các khách hàng quốc tế như không kiểm tra kỹ thông tin ngân hàng bên mua, thông tin người mua...
Theo ông, việc kiểm tra thông tin người mua rất quan trọng và cũng dễ dàng có thể thực hiện được bằng hình thức tìm kiếm Google, thông qua các bạn hàng khác ở nước sở tại. Với ngân hàng bên mua, doanh nghiệp cần dùng chính hệ thống ngân hàng trong nước để kiểm tra... Khi mọi thứ chắc chắn, lúc đó doanh nghiệp mới được gửi chứng từ.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành xuất nhập khẩu nông sản, ông Thông cho rằng những vụ việc mất tiền, bị lừa như này diễn ra hàng ngày, giá trị tiền tỷ.
Ông kể gần đây nhất, đại diện một doanh nghiệp khởi nghiệp có nhờ ông giúp một vụ việc tương tự. Doanh nghiệp này xuất khẩu một container hồ tiêu đi Dubai với giá trị hơn 90.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) nhưng không có đặt cọc.
Đối tác chỉ hứa sẽ thanh toán nhưng luôn thúc giục gửi mã số chứng từ và chứng từ qua. Nhận thấy vụ việc nguy hiểm, đại diện doanh nghiệp này đã cầu cứu ông và sau đó được xử lý dứt điểm, lấy lại hàng.
Ông nhấn mạnh rằng trong các vụ giao dịch, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin và tỉnh táo để xử lý vấn đề. Với vụ việc 3 doanh nghiệp nghi bị lừa, hiện tại ông cho rằng nên liên hệ với lãnh sự Dubai; ngân hàng trong nước làm công văn, thuê luật sư để đòi lại tiền; các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt thì mới có hi vọng lấy lại được hàng.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods - đơn vị chuyên xuất khẩu gia vị chế biến ra các nước châu Á, châu Mỹ thì cho biết phương thức thanh toán qua ngân hàng rất mạo hiểm.
Nhiều ngân hàng ở nước ngoài khó kiểm tra được thông tin. Chưa kể, một số ngân hàng thông đồng với khách hàng trong các giao dịch trả tiền để được nhận chứng từ, từ đó đưa doanh nghiệp Việt vào thế khó.
Ông Dũng cũng nói thêm trong giai đoạn khó khăn, đôi khi doanh nghiệp cũng vào thế bí và tìm cách xuất khẩu bằng mọi giá. Tuy nhiên, với các khách hàng mới, đặt hàng số lượng nhiều, doanh nghiệp càng phải cẩn thận.
Doanh nghiệp của ông Dũng chọn phương thức bán giao tại cảng, hàng xuống cảng, thanh toán xong thì trao hồ sơ và trả hàng. Khách hàng cũng phải ứng tiền trước khi sản xuất, khách quen thì công ty mới cho nợ.