1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tình tiết bất ngờ sau vụ 4 doanh nghiệp xuất khẩu nghi bị đối tác Dubai lừa

Nhật Quang

(Dân trí) - Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt đã từng ký và giao thành công một lô hàng cho đối tác Dubai vào tháng 4 năm nay. Lô hàng thứ 2 được giao vào tháng 6 thì gặp sự cố.

Phía ngân hàng bên Dubai gần như không hợp tác

Chiều nay (26/7), Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm. Tại hội nghị, nội dung liên quan đến vụ các doanh nghiệp tiêu, điều xuất khẩu đi Dubai nghi bị lừa đảo được đem ra thảo luận. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội nghị, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Vinacas - cho biết, vụ việc lô hàng xuất đi Dubai nghi lừa đảo vẫn đang được các bên trao đổi, giải quyết và chưa có kết luận cụ thể. Sáng nay, thông qua yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các doanh nghiệp bị hại đã gặp gỡ và làm việc với Đại sứ quán UAE tại Hà Nội.

Ông Nhựt cũng thông tin thêm, phía ngân hàng ở Dubai là Ajman Bank PJSC đang gần như không hợp tác.

Ngân hàng Việt Nam và ngân hàng phía Dubai đang làm việc với nhau theo tư cách như hai doanh nghiệp, khi một trong 2 bên không hợp tác thì không ai có thể ép ai. Do đó, chính sách giải quyết là thông qua hướng ngoại giao, tạo áp lực từ Đại sứ quán UAE lên ngân hàng Ajman Bank PJSC.

Tại hội nghị, ông Nhựt nêu hiện tượng lừa đảo trong xuất khẩu điều, tiêu… không mới, đã và đang xảy ra liên tiếp trong 2 năm trở lại đây. Trước đó là câu chuyện tương tự với 74 container điều xuất khẩu sang Italy vào năm 2022, hay 5 container hạt điều xuất khẩu sang Algeria hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên, sự việc các container hàng xuất khẩu đi thị trường Dubai có dấu hiệu lừa đảo cho thấy phương thức mới, diễn biến phức tạp.

Lý giải nguyên nhân, Phó chủ tịch Vinacas cho rằng bên mua hàng đã đánh vào tâm lý các doanh nghiệp Việt cần đơn hàng, tận dụng tối đa sự khó khăn của doanh nghiệp Việt.

Những thủ tục đáng ra phải thuộc dạng phải kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ chứng từ, cam kết… thì doanh nghiệp do cần bán hàng nên dễ dãi bỏ qua, sử dụng phương thức thanh toán đơn giản như hàng tới mới nhận tiền.

Đại diện Vinacas cũng cho biết thêm, Dubai là thị trường trung gian lớn, đầu mối kết nối xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và châu Phi. Hàng năm, Dubai đều tổ chức một hội chợ thực phẩm lớn, thu hút các nhà mua bán trên toàn thế giới tới để mở ra cơ hội kết nối kinh doanh, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt tham dự.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt trong vụ nghi bị lừa đảo lần này đã gặp đối tác Dubai và ký 1 đơn hàng tại hội chợ này hồi tháng 2 và giao thành công 1 lô hàng vào tháng 4. Đến lô hàng thứ 2 giao vào tháng 6 thì gặp sự cố như hiện nay.

Hiệp hội Điều Việt Nam đã mời các ngân hàng đến làm việc, các ngân hàng Việt Nam cũng đã kiểm tra, xác nhận rằng ngân hàng Ajman Bank PJSC (Dubai) có đạt chuẩn "BBB+" (xếp hạng tín nhiệm do Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế công bố).

Theo hệ thống các ngân hàng, đơn vị đạt chuẩn này đều đủ điều kiện an toàn để giao dịch quốc tế. Do đó, các ngân hàng Việt Nam không có khuyến cáo nào đối với ngân hàng Ajman Bank PJSC tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Vinacas cho rằng người mua hàng đã có ý định lừa đảo từ phía họ. Hiện, Hiệp hội Điều có trách nhiệm liên hệ với đại sứ Việt Nam tại UAE để tìm ra được người mua hàng, để yêu cầu họ trả tiền cho doanh nghiệp Việt.

Tình tiết bất ngờ sau vụ 4 doanh nghiệp xuất khẩu nghi bị đối tác Dubai lừa - 1

Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Vinacas nêu quan điểm về vụ việc các công ty xuất khẩu nghi bị lừa (Ảnh: Nhật Quang).

Khuyến cáo về phương thức thanh toán an toàn

Phó chủ tịch Vinacas cho biết trong vụ việc này sự uy tín của ngân hàng là có, khách hàng cũng không phải lần đầu (vì đã có một đơn hàng thành công vào tháng 4). Tại đơn hàng, người mua và người bán trực tiếp giao dịch và không qua môi giới.

Do đó, Hiệp hội đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc thực hiện phương án thanh toán sao cho an toàn. Các doanh nghiệp thường sử dụng hình thức nhờ thu hộ (D/P) để giao dịch với khách hàng, tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán gửi tới ngân hàng người mua, sau đó người mua thanh toán tiền. Tuy nhiên, hình thức thanh toán này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Khuyến cáo chung tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt, Chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công cho rằng ngoài những vấn đề về phương thức thanh toán, lựa chọn đối tác… thì các doanh nghiệp cần lựa chọn các nhà môi giới uy tín, những đơn có trách nhiệm với khách hàng. Các doanh nghiệp phải cẩn trọng với những nhà môi giới lạ và cả những nhà môi giới nước ngoài.

Tóm tắt diễn biến vụ việc

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam bị lừa đảo 5 container hàng với giá trị 516.761 USD (khoảng 11,9 tỷ đồng). Cảng đi là ở Việt Nam, cảng đến là Jebel Ali Dubai, UAE.

Đến ngày 24/7, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa được thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hạt điều. Tổng trị giá là khoảng 400.000 USD. Một lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26/7, trị giá 126.300 USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

Khách hàng đặt mua 5 container trên là công ty có tên Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (BARFT). Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã ký với khách hàng này tại Dubai theo hình thức nhờ thu hộ (D/P), trong đó ngân hàng đứng ra thu hộ là Ajman Bank PJSC.

Vinacas cho biết Công ty Tín Mai (doanh nghiệp hội viên) cho biết đã ký hợp đồng bán nhân điều cho công ty BARFT, với người giao dịch trực tiếp là Naeem Chaudhry.

Khách đã ứng 15% tiền, sau đó công ty giao hàng đến cảng Jebel Ali, UAE vào ngày 24/6. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6. Tuy nhiên, Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.

Vinacas cho biết ngân hàng Việt Nam đã liên tục yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC thanh toán, nhưng không nhận được phản hồi. Qua kiểm tra, bộ chứng từ của lô hàng được cho là đã giao cho một nhân viên an ninh của Ajman Bank PJSC, nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu.

Nhận thấy sự trì hoãn và chậm chạp từ phía người mua và ngân hàng nước bạn, các doanh nghiệp xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu và phát hiện rằng cả 4 container hàng đã bị lấy ra khỏi cảng.

Khi phát hiện vụ việc, công ty mua hàng đã không liên lạc được và đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Phía ngân hàng Ajman Bank PJSC vẫn chưa trả lời về vấn đề trên và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm