1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Khi đàn lợn buộc phải tiêu huỷ vì dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn Việt Nam.

lon.png

Đã có hơn 25.000 con lợn bị tiêu huỷ trong dịch tả lợn châu Phi.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) đã tổ chức một đoàn đánh giá khẩn cấp về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam hồi giữa tháng. 

Đoàn đánh giá đã đến thăm các tỉnh bị ảnh hưởng và họp bàn với lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và chính quyền địa phương để đánh giá các biện pháp ứng phó hiện tại với dịch bệnh và các nguồn lực được phân bổ để kiểm soát ổ dịch, cũng như điều tra sự lây lan của dịch bệnh tả lợn châu Phi.

“Cục Chăn nuôi ước tính hiện có hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Do vậy, khi đàn lợn buộc phải tiêu huỷ vì dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn”, ông Albert T. Lieberg, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho biết.

FAO cho biết, mặc dù chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn tại các xã có ổ dịch, huy động nguồn lực địa phương để tiêu huỷ và xử lý ổ dịch nhưng các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp là các yếu tố tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng.

“Dịch tả lợn châu Phi là bệnh rất dễ lây truyền trong đàn lợn và không đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ con người. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học là yếu tố quan trọng để bảo vệ đàn lợn an toàn. Lợn bị nhiễm bệnh và phơi nhiễm phải tiêu huỷ để ngăn chặn dịch lây lan”, FAO khuyến nghị.

Dịch tả lợn châu Phi được công bố bùng phát đầu tiên tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên vào ngày 19/2/2019. Tính đến ngày 15/3, Cục Thú y xác nhận tổng cộng có 239 ổ dịch tại 17 tỉnh. Hơn 25.000 con lợn đã bị tiêu huỷ nhằm ngăn chặn sự lây lan gia tăng. 

Trong một báo cáo gửi lên Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, một trong số nguyên nhân xuất hiện và bùng phát dịch bệnh là do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng.

Bên cạnh đó, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...).

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Để phòng, chống dịch bệnh, cơ quan quản lý thị trường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch.

Cơ quan quản lý thị trường cũng sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt.

Đồng thời, xử lý tiêu huỷ toàn bộ lợn, sản phẩm lợn vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; trước khi tiêu huỷ, lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp với cơ quan kiểm dịch, Thú y để lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif