2017: Thuế hạ sâu, thời ôtô giảm giá đã đến?

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là bước sang năm 2017, thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 30%. Nhiều người đang kỳ vọng giá xe sẽ rẻ, nhưng điều này liệu có xảy ra?

Trên tính toán giá xe sẽ giảm

Theo tính toán của các doanh nghiệp, với mức thuế giảm còn như trên, chi phí cho mỗi chiếc xe về Việt Nam sẽ giảm từ 500-1.000 USD, tùy loại. Về nguyên tắc, khi chi phí giảm thì giá xe sẽ giảm theo.

Vì vậy, khách hàng đang kỳ vọng, từ 1/1/2017, nhiều mẫu xe nhập khẩu sẽ giảm giá bán, nhất là những mẫu xe nhỏ.

Theo ý kiến từ giới chuyên môn, khi đó, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN gần ngang bằng giá xe lắp ráp trong nước. Sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá này buộc nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước cũng phải hạ giá theo, hoặc phải đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng.


Đến 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0% (ảnh Lê Anh Dũng).

Đến 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0% (ảnh Lê Anh Dũng).

Do thuế giảm nên việc lắp ráp xe bắt đầu mất lợi thế, sẽ có những mẫu xe chuyển sang nhập khẩu. Chẳng hạn, Toyota Việt Nam đã quyết định sẽ chuyển sang nhập mẫu Fortuner về phân phối thay vì lắp ráp trong nước từ đầu năm tới.

Một số doanh nghiệp cho biết, năm 2017 là bước đệm quan trọng để thăm dò thị trường với các sản phẩm mới nhập khẩu nguyên chiếc, chuẩn bị cho giai đoạn từ 2018 trở đi, khi thuế giảm sâu.

Đến thời điểm 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0%. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe từ 1.5L trở xuống giảm từ mức 40% hiện nay xuống còn 35% và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L được giảm từ mức 45% hiện nay xuống còn 40%, thì giá xe trong phân khúc này sẽ giảm mạnh.

Các tính toán cho thấy, giá ô tô dung tích xi lanh dưới 2.0L nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ 25-40%, tùy loại.

Với diễn biến này, các doanh nghiệp tính toán sẽ tập trung nhiều vào phân khúc xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống. Họ phải đổi mới không ngừng, để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách hàng và giữ vững thị phần. Điều này sẽ làm cho thị trường ô tô sôi động và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Sự thực giá xe khó giảm

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giá xe chỉ giảm nếu các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu. Hiện nay, mặc dù Thông tư 20 của Bộ Công Thương đã hết hiệu lực, nhưng các cơ quan chức năng vẫn duy trì quy định, chỉ những đơn vị có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu ô tô.

Nếu quy định này được bãi bỏ, các doanh nghiệp được tự do nhập khẩu ô tô, thì xe nhập tràn về sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với xe trong nước, giá giảm là điều chắc chắn, thị trường ô tô rất sôi động.


Giá xe khó có điều kiện để giảm và ước mơ về xe giá rẻ vẫn xa tầm với của người Việt (ảnh Lê Anh Dũng).

Giá xe khó có điều kiện để giảm và ước mơ về xe giá rẻ vẫn xa tầm với của người Việt (ảnh Lê Anh Dũng).

Nếu không được tự do nhập khẩu ô tô, vẫn chỉ có các doanh nghiệp chính hãng mới được nhập xe như hiện nay, thị trường sẽ khó thay đổi. Việt Nam đang nhập chủ yếu là xe bán tải từ khu vực ASEAN, với những dòng xe khác rất ít.

Lý do là các doanh nghiệp ô tô FDI tại Việt Nam vừa lắp ráp xe lại vừa được độc quyền nhập khẩu các thương hiệu của chính mình. Lắp ráp trong nước hiện đem lại lợi nhuận cao, vì vậy, việc không nhập khẩu xe giá rẻ về phân phối là điều dễ hiểu. Chỉ có một số ít dòng xe hiện có doanh số bán thấp, ít người sử dụng, các DN ô tô mới quyết định nhập khẩu.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất lên các cơ quan chức năng, đề nghị sửa Luật Đầu tư, đưa kinh doanh ô tô thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để áp đặt các quy định với những DN nào muốn tham gia kinh doanh ô tô.

Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề xuất, chỉ nên đưa kinh doanh ô tô nhập khẩu và phân phối ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo vệ sản xuất trong nước.

Nếu đã trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện chắc chắn xe nhập khẩu sẽ phải chịu những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, cho biết, khi đó, chỉ cần đưa ra những quy định như muốn nhập khẩu xe ô tô phải xây dựng showroom, phải có trạm bảo hành sửa chữa, đạt tiêu chuẩn quốc tế,... thì không một doanh nghiệp nhỏ và vừa nào đáp ứng nổi. Thị trường ô tô vẫn sẽ thuộc về một số doanh nghiệp có mối quan hệ với chính hãng.

Ngoài ra, nhiều cơ quan đã có đề xuất cần có chính sách phù hợp để bảo vệ các công ty sản xuất tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao hội nhập ASEAN (AFTA). Vì thế, phải áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc nhập khẩu xe nguyên chiếc; thẩm định giá kê khai của các xe ô tô nhập khẩu.

Các ý kiến này cho rằng giá tính thuế với nhiều mẫu xe nhập khẩu hiện vẫn còn thấp và cần được nâng lên hơn nữa. Điều này không vi phạm quy định về phân biệt đối xử trong các cam kết thương mại.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu giá tính thuế được nâng lên thêm 1.000 USD, thì giá thành xe sau khi nộp đầy đủ các loại thuế, sẽ tăng thêm 2.000 USD. Như vậy, giá xe khó có điều kiện để giảm và ước mơ về xe giá rẻ vẫn xa tầm với của người Việt.

Theo Trần Thủy
VietnamNet