2 thập kỷ đầu tư chứng khoán, khối tài sản hơn 4 triệu tỷ đồng ở trên sàn
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang chứng khoán nhằm kiếm lời bù đắp cho lãi suất tiết kiệm rất thấp. Quy mô vốn hoá của thị trường không ngừng phình to, vượt 4 triệu tỷ đồng.
Dòng tiền cực khủng từ thế hệ nhà đầu tư “F0”
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, các chuyên gia phân tích từ Vietnam Report vừa công bố báo cáo cho hay, tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình phát triển công ty, khả năng kiểm soát dịch bệnh và diễn biến, thực trạng nền kinh tế đang là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp hiện nay.
Trước đó, trong năm 2019, chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm tích cực và tiêu cực đan xen nhau, được thúc đẩy bởi các yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ được nới lỏng, sự vươn lên mạnh mẽ của các quỹ ETF.
Huy động vốn cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 10,26% GDP. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 58% so với cuối năm 2018, đạt 90.860 tài khoản.
Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 6/12/2019 đạt gần 4, 4 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, chiếm 79,2% GDP.
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua trong năm 2019 khi đi vào thực thi sẽ giúp thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững.
Cũng như các thị trường lớn trên thế giới, TTCK Việt Nam cũng chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. Chỉ số VN-Index có sự đảo chiều giữa quý 1 và quý 2/2020. Tính đến cuối quý 1, chỉ số VN-Index sụt giảm 31% so với đầu năm, các nhà đầu tư bán ròng cả quý 1 khoảng 9.200 tỷ đồng trong 33 phiên liên tiếp.
Giá cổ phiếu trong giai đoạn này về mức thấp đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới hay còn gọi là “nhà đầu tư F0” bắt đáy thị trường. Đây được đánh giá là dòng tiền đầu tư thông minh, luân chuyển từ các kênh đầu khác đến kênh chứng khoán và là tác động lớn của đại dịch tới các thị trường tài chính.
Chuyên gia Vietnam Report phân tích, khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội khiến một lượng lớn doanh nghiệp, cá nhân tạm ngừng kinh doanh, dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ, có thời gian để nghiên cứu đầu tư nên nhiều nhà đầu tư chuyển sang đầu tư chứng khoán nhằm kiếm lời bù đắp cho lãi suất tiết kiệm rất thấp.
Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng giao dịch chứng khoán được nâng cấp giúp cho việc đăng ký tài khoản, đặt lệnh giao dịch thuận tiện và sự xuất hiện nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lâu năm, thông qua các ứng dụng công nghệ như YouTube, Facebook… để chia sẻ kiến thức, xu hướng thị trường và hướng đến những nhà đầu tư tiềm năng nhưng chưa có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.
Một yếu tố khác nữa góp phần thu hút “nhà đầu tư F0” và giữ chân các nhà đầu tư cũ khi chi phí giao dịch, thuế được gỡ bỏ, nhiều công ty chứng khoán giảm lãi suất vay margin cho khách hàng, nhà đầu tư.
Số lượng tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 tăng đột biến, từ tháng 3 đến tháng 6, thị trường có thêm 137.000 tài khoản được mở.
Tính đến hết tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, bên cạnh những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có rất nhiều tài khoản có quy mô lớn, từ vài chục đến trăm tỷ đồng tham gia vào thị trường và đây là yếu tố đòn bẩy giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ và thanh khoản thị trường quý 2/2020 tăng cao.
Chỉ số VN-Index cuối tháng 6/2020 tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường vào cuối tháng 3/2020, thanh khoản bình quân trên 3 sàn tăng mạnh, nhưng hoạt động huy động vốn có xu hướng chậm lại.
Theo số liệu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trên 3 thị trường HOSE, HNX, UPCoM giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019; trong đó, quý 2/2020, thanh khoản tăng 40% so với quý 1. Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp niêm yết và chuyên gia chứng khoán cho thấy tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình phát triển công ty, khả năng kiểm soát dịch bệnh và diễn biến, thực trạng nền kinh tế là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Tiền không chỉ đổ vào mua cổ phiếu
Dòng tiền không chỉ chảy mạnh vào TTCK cơ sở mà trên thị trường phái sinh cũng sôi động, tăng trưởng tốt và thiết lập kỷ lục mới. Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 164.228 hợp đồng/phiên, tăng 85% so với cuối năm 2019. Khối lượng OI của toàn thị trường tại thời điểm 30/6 đạt 27.068 hợp đồng, tăng 67,3% so với phiên giao dịch đầu năm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư thu hút lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân. Trong thời gian qua đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về cả quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp – tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Nhìn chung định giá của TTCK của Việt Nam đang ở mức hấp dẫn tương đối so với khu vực xét trên chỉ số P/E, P/B và ROE. Trong năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều tổ chức tài chính khu vực, quốc tế, các hãng xếp hạng tín nhiệm, chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực châu Á.
Cũng theo đó, có 62,5% chuyên gia chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng, nửa cuối năm nay, thị trường sôi động, diễn biến khá tích cực; 37,5% dự đoán thị trường có nhiều biến động, thêm những cú sốc mới.
Mai Chi