2 "siêu Bộ": Công Thương, Tài chính bị truy trách nhiệm sau thanh tra EVN
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về xử lý kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặc dù ghi nhận EVN đã khắc phục các tồn tại theo kết luận, nhưng cơ quan này cho rằng 2 Bộ: Công Thương, Tài chính vẫn chưa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm của các bộ này với một số tồn tại và khuyết điểm đã nêu.
2 Bộ đồng hành: Không kiểm điểm, rút kinh nghiệm
Báo cáo này nhằm làm rõ việc thực hiện các kết luận hậu thanh tra năm 2013 tại EVN. Tại thời điểm đó, TTCP đã kết luận một số sai phạm của EVN về đầu tư ra ngoài ngành, mua xe công vượt tiêu chuẩn, định mức...với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Riêng về khoản nợ 7000 tỷ đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính đến tháng 12/2015, EVN cũng đã thanh toán toàn bộ khoản nợ của mình cho Tập đoàn này.
Theo TTCP, cho đến nay, về các khoản chi sai quy định của EVN, Tập đoàn này cơ bản đã khắc phục, thực hiện đúng yêu cầu của đoàn thanh tra. Tuy nhiên, cả 2 Bộ: Công Thương và Tài chính đều chưa thực hiện các yêu cầu của cơ quan thanh tra.
"Bộ Công Thương chưa tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu tại kết luận thanh tra", báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh nêu.
TTCP cũng cho biết, Bộ Công Thương chưa thực hiện rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ này với tổ chức, hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu với tập đoàn này.
Bộ Công Thương cũng được TTCP nhắc chưa làm đúng trách nhiệm khi chưa thực hiện nhiều việc khác đã nêu trong kết luận thanh tra như chưa chỉ đạo EVN đề xuất các biện pháp xử lý công nợ khi bàn giao Tổng công ty Truyền tải điện và 5 Tổng công ty điện lực với các đối tác ngân hàng và EVN; chưa ban hành khung giá phát điện phù hợp với lộ trình các cấp độ phát triển của thị trường điện, chưa ban hành khung giá bán buôn điện theo lộ trình.
"Bộ Công Thương chưa chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh, an toàn lưới điện và giá bán điện cho người dân địa phương do các Tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng ngoài EVN bán và đề xuất biện pháp xử lý", văn bản gửi Thủ tướng của TTCP nêu.
Ngoài ra, TTCP cũng nhắc việc từ khi ban hành kết luận thanh tra đến nay, đã gần 2 năm nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các cá nhân có liên quan kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc không trả lời báo cáo giải trình của EVN về giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện trước đây.
Bộ Tài chính: Chưa đề xuất xử lý vấn đề tiền lương
Về phía Bộ Tài chính, TTCP cũng cho rằng, Bộ này cũng chưa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ này với một số tồn tại, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra trước đây; chưa thực hiện rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ này đối với tổ chức, hoạt động của EVN.
Tuy nhiên, TTCP cũng ghi nhận Bộ Tài chính đã thực hiện một số kết luận của đoàn thanh tra như đã đề xuất xử lý số tiền mua ô tô vượt qui định với giá trị trên 5,22 tỷ đồng (trong đó EVN là 3 tỷ đồng và một tổng công ty trực thuộc là 2,2 tỷ đồng). Nhưng Bộ Tài chính được cho là vẫn chưa đề xuất xử lý số tiền trên 3,1 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám dốc EVN năm 2010 chưa đúng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính đã yêu cầu EVN xử lý một số khoản xây dựng bằng Quỹ phúc lợi
Bộ Tài chính được ghi nhận đã thực hiện rà soát, xử lý các khoản chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của 6 dự án nguồn điện của EVN, theo đó, các chi phí đầu tư cho các công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis...không được Bộ Tài chính cho tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh mà phải dùng Quỹ phúc lợi hoặc các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư.
Do đó, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 2 Bộ trên thực hiện dứt điểm những nội dung chưa thực hiện, báo cáo Thủ tướng nhất là về công tác kiểm điểm trách nhiệm về một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu để TTCP tiếp tục theo dõi, xử lý trong quý III/2016.
Theo một quan chức của TTCP, tình trạng các Bộ thiếu trách nhiệm trong việc ban hành chính sách, quy định, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp thực hiện pháp luật được cho là khá phổ biến.
"Tuy nhiên, đến khi các đoàn thanh tra phát hiện các sai sót, khuyết điểm trong quản lý, nhiều bộ lại chậm khắc phục như tình trạng quá chậm trễ trong thực hiện kết luận thanh tra như tại EVN", ông này nói.
Mạnh Quân