1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Tài chính nói gì về việc đưa tiền hiếu, hỉ vào chi phí sản xuất kinh doanh tại EVN?

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc đưa những khoản chi có tính chất phúc lợi như tiền hiếu hỉ, đi nghỉ mát… vào chi phí sản xuất kinh doanh đã được cho phép tại pháp luật về thuế. Cơ chế này không chỉ áp dụng với EVN và với tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Xung quanh những tranh cãi về việc đưa tiền hiếu hỷ vào chi phí sản xuất kinh doanh tại dự thảo Quy chế tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng nay (18/5), phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với đại diện Bộ Tài chính là ông Nguyễn Duy Long – Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp lĩnh vực Công nghiệp (Nghiệp vụ I), Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính để rõ hơn về vấn đề này.

Ông Long cho biết, những quy định này liên quan đến chế độ pháp luật về thuế, trước đây là Thông tư 151/2014/TT-BTC và nay là Thông tư 96/2015/TT-BTC.

Theo đó, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cho doanh nghiệp ở tất cả mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều được phép chi những khoản chi có tính chất phúc lợi này và có khống chế không được chi quá một tháng lương thực hiện trong năm tính thuế của đối tượng nộp thuế.

Việc đưa chi phí hiếu, hỉ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được Bộ Tài chính cho biết áp dụng với mọi doanh nghiệp, không riêng EVN.
Việc đưa chi phí hiếu, hỉ vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được Bộ Tài chính cho biết áp dụng với mọi doanh nghiệp, không riêng EVN.

Ông Nguyễn Duy Long cho biết thêm, Quy chế tài chính Điện lực trước đây được nêu tại Nghị định 82, tại thời điểm đó pháp luật về thuế với doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể nội dung này nên Nghị định 82 không hướng dẫn cụ thể.

“Pháp luật hiện nay đã cho phép và thậm chí cho phép từ năm 2014, không phải đối với riêng EVN mà với tất cả doanh nghiệp từ tư nhân đến 100% vốn nhà nước, có vốn góp của nhà nước... Do đó, theo phân công của Chính phủ và dựa vào các quy định hiện hành, chúng tôi đã đưa nội dung này vào dự thảo thay thế Nghị định 82”, ông Long nói.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng giải thích thêm, các khoản chi có tính chất phúc lợi nói trên nằm ngoài quỹ phúc lợi.

Quỹ phúc lợi là một khoản riêng, hình thành từ lợi nhuận sau thuế. Bên cạnh khoản này, pháp luật về thuế còn cho phép các doanh nghiệp được chi những khoản chi phúc lợi trực tiếp cho người lao động tại doanh nghiệp và có khống chế khoản chi như đã nói ở trên.

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2015 của EVN cho biết, giá bán điện bình quân toàn EVN ước đạt 1.629,8 đồng/kWh (tăng 12,58 đồng/kWh so kế hoạch, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng). Doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.

Mặc dù báo cáo cho biết lợi nhuận của công ty mẹ EVN và 9 tổng công ty đạt cao hơn kế hoạch nhưng theo chia sẻ của một lãnh đạo EVN thì lợi nhuận ước đạt của công ty mẹ trong năm 2015 ước khoảng 500 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 160.000 tỷ đồng là quá ít.

Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu của EVN nhìn chung khá thấp do chi phí lớn và do phải xử lý một phần lỗ tỷ giá và lỗ lũy kế từ các năm trước.

Riêng trong năm 2014, EVN lỗ 8.000 tỷ đồng do giá mua than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… Cộng dồn từ khoản lỗ 8.800 tỷ đồng chưa cân đối được giai đoạn 2009-2010, EVN vẫn lỗ lũy kế 16.800 tỷ đồng chưa thể cân đối.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm