1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

2 cường quốc kinh tế đau đầu vì người trẻ

Phương Liên

(Dân trí) - Phong trào nằm yên ở Trung Quốc hay gap year ở Mỹ đang dần trở nên phổ biến, đe dọa năng suất lao động tại hai cường quốc kinh tế hàng đầu này.

Người trẻ không muốn cố gắng

"Tôi muốn tận hưởng khoảng thời gian tươi đẹp, rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân này". Li Jingcheng, 24 tuổi tại Quảng Châu (Trung Quốc) chọn lối sống "nằm yên", đi làm đủ để chi trả những gì thiết yếu và tập trung vào những thú vui hàng ngày.

Li đang làm việc cho một công ty viễn thông nhà nước tại Quảng Châu (Trung Quốc) và thuê một căn hộ gần cơ quan. Anh luôn muốn được đi chơi với bạn bè, du lịch hoặc tự nghiên cứu theo sở thích.

Thay vì theo đuổi một công việc lương cao hơn để có thể mua nhà và lập gia đình, anh quyết định sẽ sống với mức lương 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng) mỗi tháng cho đến lúc 30 tuổi. Anh có thể làm thêm giờ để có cơ hội được thăng chức, tăng lương, nhưng không lựa chọn điều đó.

Lối sống "nằm yên" đã bắt đầu diễn ra từ năm 2021, khi nhiều người cảm thấy họ ngày càng phải chịu nhiều áp lực công việc hơn. Và anh Li chỉ là một trong nhiều bạn trẻ trên thế giới cảm thấy mệt mỏi khi phải vật lộn với hàng loạt vấn đề kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Morgan Healey, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học thần kinh tại Đại học Brown (New York, Mỹ). Ban đầu, cô định làm trong ngành y hoặc học cao hơn, nhưng cuối cùng lại đến Pokhara, Nepal để làm nhân viên cấp cứu trong 3 tháng.

2 cường quốc kinh tế đau đầu vì người trẻ - 1

Morgan Healey chụp ảnh cùng những đứa trẻ mà cô dạy khi là tình nguyện viên ở Nepal (Ảnh: SCMP).

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Theo Harvard Business Review, chỉ tính riêng trong năm 2021, hơn 47 triệu người Mỹ đã tự nguyện nghỉ việc. Một vài người đã mất việc trong năm ngoái khiến họ có thời gian ở nhà suy nghĩ lại về tương lai của mình.

"Mặc dù có một số khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, thanh niên hai nước có một số điểm tương đồng trong việc nằm yên và âm thầm bỏ việc. Ngày càng nhiều người hoàn toàn rời khỏi lực lượng lao động", Mary Gallagher, giáo sư tại Đại học Michigan chia sẻ.

Giáo sư cho rằng, điều này xuất phát từ sự bi quan chung của người trẻ ngày nay. Họ cảm thấy triển vọng kinh tế không mấy khả quan, thế giới đang có nhiều xung đột, đồng thời biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường đang ngày càng căng thẳng", bà nói thêm.

Trong một cuộc khảo sát tháng 5/2021 trên nền tảng Weibo, 67.000 người tham gia cho biết họ "mệt mỏi" và muốn "nằm yên", chỉ có 11.000 người nói rằng họ sẽ "tiến lên phía trước".

"Chỉ là họ không còn hứng thú trong việc nỗ lực để tiến lên hoặc tăng lương. Họ cảm thấy tuyệt vọng và nằm yên là một cách trốn tránh", Chen Zhiwu, giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho hay.

Ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát Covid-19 đến kinh tế khiến người trẻ khó tìm được việc tốt tại Trung Quốc. Khoảng 11,58 triệu tân cử nhân sẽ gia nhập thị trường lao động Trung Quốc vào mùa hè năm nay.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi lại ở mức hơn 18%. Điều này cũng tương tự với Mỹ, khi ngành công nghệ không còn là "miền đất hứa" với các sinh viên mới ra trường.

2 cường quốc kinh tế đau đầu vì người trẻ - 2

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Theo báo cáo của Harvard Business Review, người Mỹ đang từ bỏ công việc vì thu nhập và điều kiện làm việc. Một số người muốn tập trung nhiều hơn vào gia đình, nghỉ hưu sớm hoặc đi trải nghiệm.

Anya Moore, 18 tuổi, đến từ bang Oregon (Mỹ), đã lên kế hoạch cho một năm tạm nghỉ sau khi tốt nghiệp trung học. Cô đã được Đại học Wellesley cho phép hoãn học kỳ đầu tiên của mình đến cuối năm 2024 và dự định đến Ecuador và tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc tại Dubai vào cuối năm nay.

Dẫu vậy, theo tiến sĩ Gavin Chiu Sin-hin, giáo sư tại Đại học Thâm Quyến, về lâu dài, việc nằm yên không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mà còn làm giảm tỷ lệ sinh và đe dọa hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Về lâu dài, xu hướng nằm yên không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng của Trung Quốc, mà còn làm giảm tỷ lệ sinh vốn đã ở mức thấp, đe dọa hệ thống phúc lợi của nước này.

Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng chạy theo xu hướng này. Anh Nicholas Ho, 38 tuổi, quay lại dạy toán và tiếng Anh tại Quảng Châu từ năm ngoái, dù ban đầu anh dự định đi du lịch nước ngoài. Anh cần phải trả tiền thuê nhà, chi trả viện phí cho bố và chăm sóc 3 chú chó.

Theo SCMP