Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:
12 triệu USD/km cao tốc và chuyện Bộ trưởng trả lời "hệt" 3 nhiệm kỳ trước
(Dân trí) - Vấn đề trách nhiệm được đặt ra khá rõ nét trong những vấn đề kinh tế của tuần qua: Từ trách nhiệm của lãnh đạo trên nghị trường với quốc kế dân sinh đến trách nhiệm của các bên trong vụ tàu 67 hư hỏng khiến ngư dân lao đao ở Bình Định. Nhưng có vẻ như, việc quy trách nhiệm chưa bao giờ đơn giản, dễ dàng.
“Bộ trưởng trả lời hệt như Bộ trưởng 3 nhiệm kỳ trước”
Nghị trường Quốc hội tuần qua có nhiều diễn biến đáng chú ý, nhất là khi các đại biểu Quốc hội đã có cơ hội chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và các Phó Thủ tướng.
Với tinh thần thẳng thắn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về tình trạng chậm giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ông đã chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân yếu kém tại các bộ, ngành khiến công tác này rơi vào tình trạng “có tiền nhưng không tiêu hết”.
Cụ thể, “các bộ ngành giằng xé rất nhiều các lựa chọn, có tình trạng việc nào cũng muốn, nên việc cắt giảm của các dự án rất khó khăn và thực tế đã rất mất công trong việc rà soát để cắt giảm”. Hay như tình trạng “thích ôm việc ở các bộ và các ngành: một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng to nên để bộ làm còn phân cấp cho cấp dưới, địa phương chưa đầy đủ cũng chưa quyết liệt”.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, rất nhiều câu hỏi đã được đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Mặc dù rất nỗ lực, song Bộ trưởng vẫn bị đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) than phiền: “Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT cách đây 3 nhiệm kỳ... Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu!”.
Ngoài ra, trong quá trình trả lời chất vấn, cũng đã có lúc vị Bộ trưởng tỏ ra khá lúng túng khiến Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng “giải cứu”: “Để tôi trả lời câu này luôn cho Bộ trưởng!”. Đây là lần đầu Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH.
Tuần qua, Quốc hội cũng đã biểu quyết đồng ý rút Luật Quy hoạch ra khỏi chương trình thông qua Luật và Pháp lệnh tại kỳ họp thứ 3. Đưa ra nguyên nhân chính khiến Luật Quy hoạch bị Quốc hội cho lùi thời hạn thông qua, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết, nguyên nhân chính khiến dự án Luật bị lùi vì tính khả thi bởi đa số đại biểu đều băn khoăn sẽ phải điều chỉnh hơn 30 Luật khác theo quy định tại Khoản 3, Điều 27 và Khoản 3, Điều 28 của Luật quy hoạch.
Ông khẳng định: Bộ sẽ làm việc triệt để với cơ quan của Quốc hội, đồng thời ông để ngỏ khả năng cơ quan soạn thảo sẽ vận động hành lang (Lobby) một cách minh bạch đến các đại biểu Quốc hội để họ bấm nút thông qua.
Băn khoăn với 12 triệu USD/km đường cao tốc và đề xuất truy trách nhiệm hình sự cán bộ nghỉ hưu
Nói về một trong những nguyên nhân khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Giờ nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế đã được duyệt”, chưa kể, khi kiểm tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng vi phạm.
Suất đầu tư làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước (ảnh minh họa)
Nêu vấn đề trước Quốc hội về lĩnh vực giao thông, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho hay suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.
“Như vậy cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 - 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương”, ông Nhường nhận xét.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã lý giải ngắn gọn: “Do trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu”. Thế nhưng giải pháp khắc phục lại không được Bộ trưởng trả lời.
Bày tỏ mối trăn trở trước tình trạng lãng phí, tham nhũng trong phân bổ vốn đầu tư, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đã đề nghị cần phải đưa ra được những chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư, các dự án đầu tư, cả về kinh tế, hình sự. “Bao gồm cả những người quyết định đầu tư đã nghỉ hưu nhằm sớm và chặn đứng tình trạng các công trình đầu tư khủng nhưng đắp chiếu, dở dang, gửi lại cho người kế nhiệm hoặc nhiệm kỳ sau”, ông Vượt nhấn mạnh. Bởi theo ông, có như vậy mới sử dụng hiệu quả từng đồng thuế của dân như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
“Nhà nước kiến tạo là câu mà ai cũng nói nhưng không ai làm”
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại một hội thảo quốc tế vừa tổ chức đã thẳng thắn phát biểu: "Nhà nước kiến tạo là câu mà ai cũng nói nhưng không ai làm, nhất là cấp cơ sở. Muốn làm được, phải có nhân sự tốt, người lãnh đạo tốt, có thực tài, có năng lực. Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe phản ánh cách lựa chọn cán bộ đâu là hậu duệ, tiền tệ, quan hệ... Không thấy trí tuệ đâu cả, như thế thì để xây dựng Nhà nước kiến tạo bắt đầu từ đâu?".
Ông Cung nhận xét, bộ máy của Nhà nước kiến tạo là phải vừa kéo, vừa đẩy DN, xã hội đi lên. "Nhưng ở Việt Nam, bộ máy Nhà nước nhiều nơi, nhiều chỗ luôn tạo ra rào cản và lẩn tránh những vấn đề của mình".
Theo nguyên Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh: Nếu trước đây tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ do chuyển đổi được 1 nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, mặc dù chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ nhưng đã tạo nên động lực rất mạnh. Còn hiện nay, chúng ta đang vướng mắc giữa việc cải cách thể chế kinh tế chậm hơn, xa hơn so với cải cách của thị trường, của nền kinh tế.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) thì cho rằng: "Cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết nhưng cải cách thể chế kinh tế là gốc. Chính thể chế kinh tế đang tạo ra khung khổ, định ra giới hạn để cải thiện môi trường kinh doanh. Không phải xin phép là thể chế, phải xin phép cũng là từ thể chế nhưng được giải quyết nhanh lại thuộc về môi trường kinh doanh".
Theo đánh giá của ông Cung: "12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng của Việt Nam, hiện không có tín hiệu nào cho thấy Nhà nước rút chân khỏi khoản lỗ này mà vẫn phải bỏ tiền vào máy xay tiền này. Tăng trưởng của nền kinh tế sẽ không có ý nghĩa nếu những chỗ không hiệu quả mà Nhà nước vẫn tiếp tục bỏ tiền vào".
Tại Hội nghị bàn về hạn chế, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh tổ chức tại Hà Nội ngày 15/6, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “ĐKKD bao năm nói mãi nhưng không thay đổi được bao nhiêu, số người sản xuất giấy phép rất nhiều trong khi số người kiểm soát giấy phép ít, vì số người sản xuất có lợi ích, còn số người kiểm soát rất khó tìm kiếm, thậm chí có những người tạo ra càng nhiều giấy phép càng tốt”.
Giấc mơ ô tô giá rẻ và lương 115 triệu đồng/tháng của phi công Vietnam Airlines
Góp ý vào Dự thảo Nghị định về Điều kiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dư luận, chuyên gia trước khi trình Chính phủ thông qua, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị đưa ô tô điện ra khỏi các quy định về thuế, điều kiện kinh doanh để cho loại xe này được phát triển tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu Việt Nam tiếp tục "cào bằng" chính sách, không có cơ chế riêng để hỗ trợ xe điện phát triển hoặc loại bỏ xe điện khỏi các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo, Việt Nam sẽ khó có thị trường xe điện và không thể có xe điện giá rẻ với những ưu điểm vượt trội mà thế giới đang thịnh hành, sẽ đi sau, là vùng trũng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 đang diễn ra tại Hà Nội, Nhóm công tác về công nghiệp ô tô, xe máy một lần nữa lại than thở về các khó khăn, vướng mắc và bất lợi của mình trước viễn cảnh Việt Nam xóa bỏ thuế nhập xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN.
Nhóm này lo ngại, các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu. Điều này làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Dự kiến chi phí sản xuất sản xuất xe ô tô có thể tăng lên từ 10 - 20%.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang lập hàng loạt các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Mỹ vào Việt Nam.
Theo ông Jonathan Moreno - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): "Việt Nam cần đặc biệt nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại biên giới và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam".
Ở một góc độ khác, tại Dự thảo Nghị định về sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô và Báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển ngành sản xuất ô tô gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương lại đưa ra rất nhiều điểm ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất xe trong nước, điều này dấy lên kỳ vọng người Việt sẽ được mua xe Việt giá rẻ.
Cơ hội mua ô tô giá rẻ đang "nóng" lên tại Việt Nam giữa bối cảnh thu nhập của người dân còn hạn chế. Hiếm trường hợp nào mà mỗi tháng có thể lĩnh cả trăm triệu đồng như phi công Vietnam Airlines.
Cụ thể, năm 2016, mức lương bình quân của phi công Vietnam Airlines đã được nâng từ 110,1 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 115,3 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 4,7%. Tuy nhiên, tốc độ tăng lương vẫn thấp hơn so với vị trí tiếp viên là 10,9% và cán bộ, nhân viên nói chung là 12,8%.
Theo đó, lương bình quân của tiếp viên tăng từ 23 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 25,5 triệu đồng/tháng. Lương cán bộ, nhân viên (trừ hội đồng quản trị và ban giám đốc) bình quân ở mức 19,4 triệu đồng/tháng (năm 2015 bình quân 17,2 triệu đồng/tháng).
Vụ tàu 67: “Phải chiểu theo luật hình sự mà xử lý”
Trong 18 tàu cá vỏ thép 67 bị hư hỏng đều rơi vào 2 công ty TNHH MTV Nam Triệu (tại Hải Phòng, thuộc Bộ công an) và công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Hiện nay, ngư dân Bình Định đang lâm vào cảnh khốn đốn, đối mặt với số nợ hàng chục tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Thế nhưng, khi chủ tàu có đơn khiếu nại, cơ quan chức năng vào cuộc thì các đơn vị thi công đóng tàu dùng tiền “bịt miệng” ngư dân với thỏa thuận ngư dân nhận 100 - 200 triệu đồng và rút đơn kiện…
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, sự cố tàu vỏ thép 67 hư hỏng có trách nhiệm rất quan trọng của cơ quan đăng kiểm. Theo ông, dù kết quả giám định của Tổ giám định tại Bình Định như thế nào thì phải chiếu theo luật hình sự mà xử lý.
Ngày 16/6, trao đổi với báo chí, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã đến Bình Định để làm việc với ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99245 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) được lắp máy của hãng Doosan. Tuy nhiên, ông Sơn không đồng ý và yêu cầu thay máy mới.
Trước đó, trong buổi làm việc ngày 15/6 giữa các bên, đại diện hãng Doosan tiếp tục chất vấn và đổ lỗi tàu hư hỏng là do ngư dân.
"Tôi đang chờ tỉnh Bình Định xử lý, nếu 2 bên không thỏa thuận thì tôi sẽ trả tàu, kiện ra tòa để làm cho ra lẽ chứ khổ quá rồi", ông Sơn nói.
Trong việc xử lý vấn đề đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo xí nghiệp đóng tàu mời riêng chủ tàu đi uống cà phê để nói chuyện “tình cảm” về việc máy tàu bị hỏng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: “Một số ngư dân trong 18 tàu đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, nhưng không biết do tác động thế nào mà họ rút đơn”. Lãnh đạo Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhất quyết phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận chứ không phải vì ngư dân rút đơn mà không làm.
Đáng chú ý, mới đây, Sở NN&PTNTT tỉnh Bình Định tiếp tục xác nhận lại có thêm 1 ngư dân của tỉnh đã có đơn gửi Sở NN&PTNT tỉnh về việc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng tương tự như các tàu vỏ thép khác mà báo chí phản ánh thời gian vừa qua.
Bích Diệp (tổng hợp)