1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Tài chính: Việt Nam miễn giảm thuế “quá nhanh”!

(Dân trí) - Nói về một trong những nguyên nhân khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Giờ nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế mà đã được duyệt”. Chưa kể, khi kiểm tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng vi phạm.

Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội góp ý, thảo luận về Quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn giải trình, trong đó nói rõ nguyên nhân khiến thu ngân sách không đạt như kỳ vọng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, do điều kiện kinh tế khó khăn nên chính sách thu đã được điều chỉnh để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. “Giờ nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế mà đã được duyệt”, ông Dũng nhìn nhận.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kiểm tra DN nào về thuế cũng có vi phạm: Lớn vi phạm lớn, bé vi phạm bé.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, kiểm tra DN nào về thuế cũng có vi phạm: Lớn vi phạm lớn, bé vi phạm bé.

Cụ thể, theo ông, thuế TNDN đã được giảm “quá nhanh”, từ 25% xuống 22% và phổ thông và 20%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Bên cạnh đó, để khuyến khích đầu tư còn có nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn 4 năm, giảm 9 năm…

Rất nhiều chính sách để miễn, giảm, những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và DN đầu tư khoa học công nghệ cao... Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng.

“Những chính sách này đã giảm thu NSNN khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên”, theo Bộ trưởng Dũng.

Một lý do khác cũng được lãnh đạo ngành tài chính dẫn ra là tình trạng trốn thuế, khai man thuế. Nếu trước kia DN kê khai, cán bộ thuế kiểm tra ký rồi mới nộp thuế thì hiện nay DN tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm.

“Gần như kiểm tra DN nào về thuế cũng có vi phạm hết, lớn thì vi phạm lớn, bé thì thì vi phạm bé”, ông nói.

Ví dụ, năm 2015, ngành tài chính thanh tra, kiểm tra 79.297 DN, với số kiến nghị xử lý thu vào NSNN là 12.351 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.239 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra 23.044 tỷ đồng. Đây là chuyển giá. Tính cả DN FDI thì tổng số lên đến 36.600 tỷ đồng phải xử lý tài chính.

“Năm 2016 còn lớn hơn. Năm 2017, chúng tôi vẫn đang tiếp tục và đang phấn đấu bình quân 1 năm sẽ kiểm tra về thuế, thanh tra về thuế khoảng 20% số lượng DN”, người đứng đầu Bộ Tài chính thông tin.

Vừa rồi, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị và trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định chống chuyển giá. Theo đó, chuyển giá không phải sản xuất mới chuyển giá, mà chuyển giá ngay từ khâu đầu tư: “Thiết bị cũ vào thì bảo mới, giá thấp thì bảo giá cao...”.

Theo Bộ trưởng, đây là trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là khâu cấp phép đầu tư, khâu giám sát đầu tư, không phải riêng của cán bộ thuế, không phải riêng của ngành thuế. Nếu chỉ riêng lĩnh vực thuế thì mới chỉ làm được phần ngọn.

Về vấn đề thu hồi nợ đọng thuế, năm 2016, con số này là 42.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2015 là 37.000 tỷ đồng, năm 2014 là 31.000 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ việc công khai danh sách nợ đọng, chây ỳ lên phương tiện thông tin đại chúng.

“Trước tiên là e ngại lắm…Khi làm ban đầu cũng không phải tất cả đã đồng thuận, cũng có những người nói với tôi tại sao đồng chí làm như thế. Nhưng không làm không được, đấy là luật quy định, trước không làm giờ phải làm, làm thấy sai thì phải sửa”, Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách dẫn tính toán của Chính phủ cho hay: Nếu giảm 1% thuế suất, thuế thu nhập DN đồng nghĩa với việc giảm thu từ NSNN 6.000 tỷ đồng.

Tính riêng trong năm 2013 khi thực hiện miễn, giảm thuế TNDN đã giảm thu 2.080 tỷ đồng. Vào năm 2014 giảm thu 2.500 tỷ đồng. Đó là chưa kể trong giai đoạn vừa qua, trong nhiều năm, từ năm 2008 đến nay, áp dụng liên tục 6 nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế và cũng tác động phần nào đến thu ngân sách.

Bà cũng đánh giá, việc miễn, giảm thuế góp phần làm giảm tỷ lệ động viên vào NSNN. Nếu như trong năm 2011 tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 26% thì năm 2015 tỷ lệ chỉ còn 23,8%. Nếu so sánh giai đoạn 2006 đến 2010 tỷ lệ động viên từ thuế phí đạt 24,9% đến 2011 - 2015 chỉ còn 20,9% và không đạt được mục tiêu đề ra là từ 22-23%. Nếu so sánh với các nước trong khu vực như là Thái Lan, Lào, Malaysia, tỷ lệ của chúng ta thấp hơn rất nhiều: Lào là 23,4% và Malaysia là 24,5%.

“Qua giám sát thực tế tại nhiều địa phương cũng rất trăn trở, chính sách miễn, giảm thuế cũng tác động phần nào đến thu ngân sách tại địa phương” - vị đại biểu cho biết.

Bích Diệp