Bộ trưởng trả lời hệt như Bộ trưởng 3 nhiệm kỳ trước!

(Dân trí) - Tỏ ra thất vọng với phần trả lời dài 7 trang của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói: "Bộ trưởng trả lời hệt như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm kỳ trước".

Nêu vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng chiều nay (14/6), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đã thẳng thắn nêu đánh giá: Phần trả lời của Bộ trưởng về trách nhiệm của bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ KHĐT là 1 trang nhưng chủ yếu lại trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật. Theo bà, những văn bản này, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được!

Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của bộ, ngành thế nào thì Bộ trưởng lại không nêu. “Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KHĐT cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, ĐBQH khóa XI Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu!” – vị đại biểu tỏ ra thất vọng nói.

Bà Thúy đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để hạn chế?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận Bộ KHĐT vẫn còn nể nang trong giao vốn đầu tư công và xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận Bộ KHĐT vẫn còn "nể nang" trong giao vốn đầu tư công và xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội

Tương tự, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) “truy” trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về việc giao kế hoạch vốn đầu tư hàng năm chậm trễ, giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Đi vào giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, hệ thống pháp luật chưa được chặt chẽ nên hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công chưa đảm bảo. Từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn. Trước đây, số vốn của các dự án phê duyệt thường gấp 3 lần so với khả năng thu xếp.

Luật Đầu tư công được ban hành đã giảm đáng kể tình trạng đầu tư dàn trải thông qua khâu chọn lựa, phê duyệt, thẩm định dự án một cách chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, qua theo dõi, việc thực hiện luật này trên thực tế vẫn chưa được tập trung trong bố trí vốn. Nguyên nhân do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, địa phương trong 5 năm rất lớn nhưng khả năng bố trí vốn lại thấp hơn.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Dũng kiến nghị, tiếp tục triển khai đồng bộ các định hướng, chủ trương về tái cơ cấu đầu tư công; yêu cầu các cấp các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công…

Bộ trưởng nói: “Chúng tôi xin nhận một trách nhiệm là chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ”.

Nhu cầu của các địa phương là rất lớn nhưng khả năng bố trí còn hạn chế, các phương án tiếp nhận vốn của các dự án cũng chưa phù hợp nên “phải làm đi làm lại nhiều lần”, “chưa thật sự nghiêm túc”. Thế nhưng, Bộ KHĐT vẫn còn theo hướng “chia sẻ” với khó khăn của bộ ngành, địa phương.

Do đó, ông Dũng cam kết trước Quốc hội sẽ khắc phục, làm sao để vừa đảm bảo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công lại vẫn vừa tạo thuận lợi cho các bộ ngành, địa phương.

Tại phiên chất vấn kéo dài vỏn vẹn chưa đầy 30 phút chiều nay, một số đại biểu cũng đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ KHĐT về những vấn đề liên quan đến tình hình trốn thuế, chuyển giá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nợ đầu tư cơ bản; hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA tại các dự án…

Sáng mai (15/6), trước sự theo dõi của cử tri cả nước, các ĐBQH sẽ tiếp tục chất vấn và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ tiếp tục giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Bích Diệp