12 triệu USD/km: Bộ trưởng nói gì khi cao tốc Việt Nam đắt hơn cả Mỹ và Trung Quốc?

(Dân trí) - Hàng loạt những con số so sánh về suất đầu tư làm đường cao tốc tại Việt Nam và các nước đã được đại biểu Quốc hội nêu ra và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã lý giải ngắn gọn: “Do trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu”. Thế nhưng giải pháp khắc phục lại không được Bộ trưởng trả lời.

Theo Báo cáo số 4707 ngày 9/6/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) gửi đến các đại biểu Quốc hội cho hay, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 1.372 km dự kiến tiêu tốn tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng, tương đương với 14 tỷ USD và suất đầu tư đường cao tốc theo dự án khoảng 10,12 triệu USD/km.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cập nhật thông tin đến ĐBQH cho biết, trong Đề án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT dự kiến chi phí đầu tư khoảng 9,5 triệu USD/km.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cập nhật thông tin đến ĐBQH cho biết, trong Đề án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT dự kiến chi phí đầu tư khoảng 9,5 triệu USD/km.

Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đã dẫn nhận định của GS.TS Võ Đại Lược và Thạc sĩ Nguyễn Trung Thành - đại học Fulbright cho biết, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi Trung Quốc cũng có những điểm tương đồng với chúng ta nhưng chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.

“Như vậy cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 - 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương”, ông Nhường nhận xét.

Cũng theo thông tin của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thì dự toán làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam của ta khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Bangkok - Nong Khai của Thái Lan là 13,9 tỷ USD/874 km, tương đương với 20,67 tỷ USD/chiều dài đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Như vậy suất đầu tư đường sắt cao tốc của ta cũng cao gấp 2,5 lần Thái Lan.

Mới đây, thông tin được Bộ Ngoại giao gửi cho đại biểu cũng cho thấy, đường sắt Bangladesh 120 km/h suất đầu tư chỉ là 3,13 tỷ USD/270 km, như vậy cũng rất rẻ.

Ông Nhường đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Trong điều kiện nguồn lực của ta có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm suất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc, để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?”.

Phần trả lời cho câu hỏi này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển sang cho Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, suất đầu tư với đường 6 làn xe của Việt Nam hiện khoảng 200 tỷ đồng/km, chưa tính đến giải phóng mặt bằng.

Trước những dẫn chứng và so sánh của đại biểu, Bộ trưởng Nghĩa cho biết, ngay cả ở Việt Nam thì cũng đã có những mức giá rất khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm từng khu vực. Qua tổng hợp, có dải từ 7,4 triệu USD/km (miền Trung du phía Bắc) đến 17,2 triệu USD/km (Tây Nam Bộ, Nam Bộ).

“Đây là một trong những đặc điểm rất lớn, bởi vì trong đầu tư thì giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu”, Bộ trưởng giải thích.

Ông Nghĩa cũng nói rõ hơn số liệu về suất đầu tư theo đề án mà Bộ GTGT đã báo cáo đại biểu Quốc hội. Cụ thể, đối với đường cao tốc 6 làn xe, tiêu chuẩn quy mô đường thì ở Đức khoảng 10,9 triệu USD/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD/km; Hunggary khoảng 13,3 triệu USD/km; Áo là 16,7 triệu USD/km; ở Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD/km và ở Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 triệu USD/km. Trong Đề án đường cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT dự kiến khoảng 9,5 triệu USD/km.

Tuy nhiên, câu hỏi về giải pháp thì Bộ trưởng vẫn chưa trả lời đại biểu.

Bích Diệp