Doanh nghiệp Mỹ "tố" Việt Nam lập nhiều rào cản sau thuế hạn chế hàng Mỹ

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 vừa được diễn ra tại Hà Nội hôm 16/6, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Mỹ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang lập hàng loạt các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hoá Mỹ vào Việt Nam.

Cụ thể, ông Jonathan Moreno - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng: "Việt Nam cần đặc biệt nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại biên giới và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam".

Cồng đồng DN Mỹ đang cho rằng Việt Nam lập nhiều hàng rào sau thuế để ngăn cản hàng Mỹ vào Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Cồng đồng DN Mỹ đang cho rằng Việt Nam lập nhiều hàng rào sau thuế để ngăn cản hàng Mỹ vào Việt Nam (ảnh minh hoạ)

Đại diện Amcham chỉ rõ: Các bộ ngành của Việt Nam đưa ra yêu cầu kiểm tra một loạt các mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, bất chấp việc kiểm tra này đã được thực hiện bởi nhà sản xuất, hay đã có giấy chứng nhận vận chuyển đáng tin cậy đến Việt Nam.

"Hầu hết các yêu cầu kiểm tra không đề cập đến nguy cơ rủi ro cụ thể. Sự bắt buộc thi hành này có khuynh hướng xảy ra tại hải quan biên giới. Trong khi đó, những kiểm tra tương tự không áp dụng một cách công bằng cho nhà sản xuất nội địa", Đại diện DN Hoa Kỳ nêu.

Liên quan tới những rào cản phía sau biên giới, AmCham cho biết: Những rào cản phía sau biên giới làm cản trở thương mại bằng cách ngăn chặn doanh nghiệp Hoa Kỳ giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm mới mà không cần phải đăng ký mới hoặc sửa đổi giấy phép.

Đơn cử như các cửa hàng bán lẻ, việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) làm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mở cửa hàng bán lẻ. Việc “Kiểm tra” này không áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn khách quan và minh bạch, mà việc xác định đối tượng bị hạn chế sẽ phụ thuộc vào sự xem xét của cơ quan chức năng.

Hay việc yêu cầu DN phân phối nước ngoài liệt kê danh sách các mã HS trong giấy phép và chỉnh sửa giấy phép của họ mỗi lần nhập khẩu hàng hóa có mã HS mới, ngay cả khi không có hạn chế đối với các mặt hàng nhập khẩu đó, trong khi các công ty phân phối trong nước không phải đối mặt với những yêu cầu tương tự, dường như vi phạm cam kết của Việt Nam về đối xử quốc gia theo WTO.

Trả lời về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh khẳng định: Về hàng rào thuế quan, trong thương mại quốc tế, một nước được áp dụng biện pháp thuế tại biên giới, miễn sao đáp ứng tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa bao giờ Việt Nam bị kiện lên WTO vì vấn đề này.

Do vậy, nếu nói Việt Nam áp dụng nhiều rào cản với thương mại thế giới thì về tổng thể Việt Nam phải là nước xuất siêu, nhưng thực tế chúng tôi vẫn là nước nhập siêu. Đặc biệt, chúng tôi không tìm cách đổ lỗi vì rào cản của các nước, mà chúng tôi luôn tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng cạnh tranh.

Liên quan tới các điểm bán lẻ, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh: WTO cho phép áp dụng kiểm tra nhu cầu kinh tế, nhiều thành viên của WTO cũng áp dụng. Từ đó, Việt Nam cũng đưa ra những khó khăn nhất định, tuy nhiên điều đó không ngăn cản các nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt hết sức "hoành tráng" tại Việt Nam. Hệ thống bán lẻ của DN nước ngoài đều hiện diện và thậm chí đang chèn ép các nhà bán lẻ Việt Nam.

Nguyễn Tuyền