1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng: “Nếu không thay máy mới tôi sẽ trả tàu, kiện ra tòa”

(Dân trí) - Đại diện nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) đã nhập phụ tùng về Quy Nhơn để thay cho tàu BĐ 99245 TS của ông Trần Đình Sơn. Thế nhưng ông Sơn không đồng ý, thậm chí ông còn bức xúc vì nhà cung cấp máy tiếp tục đổ lỗi cho ngư dân.

Sau khi có đơn khiếu nại của ngư dân, chuyên gia Hàn Quốc (hãng máy Doosan) đã trực tiếp kiểm tra máy trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Sau đó, các chuyên gia cùng đại diện nhà cung cấp máy đã có buổi làm việc với ngư dân Sơn. Trong khi, ông Sơn yêu cầu thay máy mới thì hãng máy lại từ chối nên hai bên đã xảy ra tranh cãi, không tìm được tiếng nói chung.

Hãng máy tiếp tục đổ lỗi cho ngư dân

Chiều 15/6, trao đổi với báo chí, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH ô tô Đông Hải (nhà cung cấp máy Doosan chính hãng cho công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết: “Chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng. Chúng tôi đã nhập phụ tùng từ Hàn Quốc về để lắp vào máy cho tàu của ngư dân Sơn nhưng ông không đồng ý. Ông Sơn yêu cầu là thay máy mới dù đến bây giờ lỗi là ở ông Sơn. Chúng tôi gần như có quyết định lỗi của ông Sơn và hôm nay chúng tôi sẽ công bố lỗi đó với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT”.


Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH ô tô Đông Hải (nhà cung cấp máy Doosan chính hãng cho công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết đến giờ này lỗi hư hỏng máy là do ông Sơn.

Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH ô tô Đông Hải (nhà cung cấp máy Doosan chính hãng cho công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết đến giờ này lỗi hư hỏng máy là do ông Sơn.

Khi phóng viên hỏi về lỗi cụ thể của ngư dân Sơn như thế nào thì ông Hải từ chối trả lời câu hỏi này. “Ở đây không còn là vấn đề kinh doanh nữa mà liên quan đến chính trị. Thực ra, kinh doanh thì chúng tôi không bao giờ đổ lỗi cho khách hàng nhưng chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy. Chúng tôi không công bố kết quả mà chỉ có trách nhiệm đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định. Bây giờ, UBND tỉnh cũng có đoàn kiểm tra và tự địa phương sẽ có kết luận chính thức, nếu chúng tôi tự kết luận sẽ không khách quan”- ông Hải cho hay.

Ông Hải cho rằng, thời gian qua hãng máy đã đối xử với ông Sơn hơn trách nhiệm bảo hành. “Chúng tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để vận chuyển gần 1 tấn phụ tùng chuyển phát nhanh bằng đường máy bay về Việt Nam để lắp sớm cho ngư dân ra khơi ngày đánh bắt nhưng ông Sơn không cho lắp. Tôi thấy lãng phí tiền của tôi quá và nỗ lực của tôi không ý nghĩa gì mấy”.


Chuyên gia Hàn Quốc đã kiểm tra tìm nguyên nhân hỏng máy của tàu ông Sơn nhưng kết quả chưa được công bố.

Chuyên gia Hàn Quốc đã kiểm tra tìm nguyên nhân hỏng máy của tàu ông Sơn nhưng kết quả chưa được công bố.

Đề cập đến việc nếu ngư dân Sơn kiên quyết đòi thay máy mới, ông Hải phân tích: “Các anh biết đấy, ý nghĩa bảo hành là gì, có ai bảo hành mà thay máy mới chưa, mua chiếc ô tô khi bảo hành thay ô tô mới không?. Cái gì yêu cầu thì phải hợp lý, hợp tình không chỉ ở Việt Nam mà còn quốc tế nữa. Tôi sẽ đưa ra những chứng cứ để UBND tỉnh quyết định thế nào cho đúng…”.

“Sẽ trả tàu, kiện ra tòa để làm cho ra nhẽ”

Theo ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS đóng mới theo Nghị định 67/CP với số tiền 19,8 tỷ đồng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu. Máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc). Tuy nhiên, từ khi hạ thủy vào tháng 12/2016 đến nay tàu ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục.

Ngư dân Trần Đình Sơn rất bất bình với việc hãng máy Doosan đổ lỗi tàu hỏng là do ông
Ngư dân Trần Đình Sơn rất bất bình với việc hãng máy Doosan đổ lỗi tàu hỏng là do ông

“Chuyến biển đầu tiên tôi đi được vỏn vẹn 7 ngày thì phải quay vào bờ vì tàu gặp sự cố về máy. Tôi gọi điện báo máy hỏng thì công ty vào khắc phục trong vòng 1 tháng mới xong. Chuyến biển tiếp theo máy lại bị hỏng, gãy trục chính. Động cơ máy như xương sống con tàu, tàu hỏng làm sao dám ra khơi lỡ gặp nạn trên biển ai chịu trách nhiệm. Trên tàu là sinh mạng của hơn 10 thuyền viên, nếu tàu hư hỏng thì ai dám đi trên con tàu đó, lỡ ra khơi gặp sự cố thì ai chịu trách nhiệm”- ông Sơn bất bình.

Về việc nhà cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) cho rằng máy hỏng lỗi thuộc về chủ tàu, ông Trần Đình Sơn gay gắt: “Nói gì cũng phải trung thực, ngay thẳng chứ đừng vội đổ lỗi cho ai?. Tôi yêu cầu phải thay máy mới nhưng nhà cung cấp không chịu. Làm cái gì cũng phải có lương tâm. Tôi đang chờ tỉnh Bình Định xử lý, nếu 2 bên không thỏa thuận thì tôi sẽ trả tàu, kiện ra tòa để làm cho ra lẽ chứ khổ quá rồi”.

Doãn Công