1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ có là lợi thế của Trung Quốc?

Cuộc đối đầu Trung - Mỹ bùng lên ở các mặt trận mới, khi cuộc chiến thương mại đang lan dần sang lĩnh vực công nghệ và có thể là cả tài chính.

Việc sở hữu hơn 1000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ có phải là lợi thế lớn của Trung Quốc?

Đối đầu Trung - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ

Vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thực hiện một bước đi quan trọng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại, khi ký kết thỏa thuận giai đoạn I để từng bước khôi phục thương mại, nhưng virus corona đã phá hỏng tất cả.

Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 và đòi Bắc Kinh xoá nợ để bồi thường cho thiệt hại do đại dịch gây ra.

1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ có là lợi thế của Trung Quốc? - 1

Theo các chuyên gia, quá trình Trung Quốc từ bỏ đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ tiến hành theo từng giai đoạn

Ngoài ra, Mỹ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì tổ chức này “ngả về phía Trung Quốc”.

Căng thẳng Washington - Bắc Kinh ngày càng phức tạp trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump lại một lần nữa nhắc nhở về những thiệt hại kinh tế mà các công ty Trung Quốc đã gây ra cho nền kinh tế Mỹ, với cáo buộc những công ty nước này ăn cắp việc làm và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu bùng lên ở mặt trận mới, khi cuộc chiến tranh thương mại dần biến thành cuộc chiến về công nghệ.

Vào tháng 8, Washington cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào chiến dịch bầu cử qua Internet và các mạng xã hội, nên đã ra đòn đối với ứng dụng TikTok của Trung Quốc.

Theo Washington, sản phẩm của ByteDance phải bị cấm, nếu không, chính quyền Bắc Kinh sẽ có khả năng truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ sử dụng dịch vụ này.

Công ty ByteDance của Trung Quốc bị cưỡng ép phải bán TikTok tại Mỹ. Ông Trump đe dọa, việc này phải được thực hiện trước ngày 12 tháng 11, nếu không, dịch vụ của TikTok sẽ bị chặn.

Vẫn chưa rõ Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào, nhưng các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Quốc không có động cơ cụ thể nào để bênh vực TikTok, vì theo họ, đây là một ứng dụng tiêu tốn thời gian và có hại về mặt đạo đức, truyền bá “nội dung thô tục”, không tương xứng với “các giá trị của chủ nghĩa xã hội”, làm hư hỏng giới trẻ Trung Quốc.

Tuy nhiên đối với Huawei, một trong những tập đoàn công nghệ “Made in China” lớn nhất, thì phản ứng của Trung Quốc là hoàn toàn khác.

Bắc Kinh đe dọa sẽ cấm xuất khẩu các vật liệu và công nghệ chiến lược cho các công ty nước ngoài có thể gây ra “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”; đồng thời nhắc nhở rằng, Trung Quốc có nhiều đòn bẩy ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, đó là lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn một nghìn tỷ USD, con át chủ bài trong tay Bắc Kinh.

Trung Quốc đang giảm dần lượng trái phiếu Mỹ

Vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bắt đầu rút dần số trái phiếu mà nước này sở hữu tại Kho bạc Mỹ.

Từ mức đỉnh 1,32 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2014, Trung Quốc đã bán 20% giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà nước này đang nắm giữ, tương đương hơn 200 tỷ USD.

Kết quả là vào tháng 6/2019, Trung Quốc xếp vị trí thứ hai về số tiền đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, chỉ kém Nhật Bản trong danh sách các chủ nợ lớn nhất của Mỹ (với 1,12 nghìn tỷ USD).

Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ, vào giữa tháng 9, danh mục đầu tư của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,08 nghìn tỷ USD. Như vậy là chỉ trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc đã thanh lý 106 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, tốc độ bán tháo nhanh nhất kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất. Một trong những lý do khác khiến Trung Quốc tiếp tục giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ là rủi ro đồng USD mất giá, vì các máy in tiền của Mỹ tiếp tục hoạt động “không mệt mỏi” để chi trả các khoản nợ vẫn đang gia tăng.

Chỉ trong tám tháng, Hoa Kỳ đã phát hành con số kỷ lục 7,7 nghìn tỷ dollars trái phiếu kho bạc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc lưu ý rằng, Bắc Kinh thấy rõ rằng, nền kinh tế Hoa Kỳ được hỗ trợ chỉ bằng các khoản vay.

Ở thời điểm hiện nay, Washington không thể giải quyết các vấn đề kinh tế nếu không có sự trợ giúp của các máy in tiền, vì vậy đầu tư vào khoản nợ quốc gia Mỹ là cực kỳ rủi ro.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang làm dấy lên lo ngại việc chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ có thể không chịu đựng được nữa và bán tháo toàn bộ trái phiếu chính phủ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp. Hậu quả của một bước đi như vậy sẽ rất tai hại.

Việc Trung Quốc bán phá giá ồ ạt số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD không những có thể làm giảm tỷ giá đồng USD, mà còn gây ra một “cơn hoảng loạn” trên thị trường chứng khoán. Đây là một kịch bản cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Vậy liệu Bắc Kinh sẵn sàng đi bao xa? Giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc bán tháo lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, điều đó không chỉ nguy hại cho Washington, mà cũng sẽ gây bất lợi cho chính Bắc Kinh.

Bán tháo trái phiếu Mỹ chỉ là biện pháp cuối cùng

Theo giới chuyên gia, vấn đề đầu tiên là việc bán tháo trái phiếu trị giá 100-200 tỷ USD trong thời gian ngắn chắc chắn sẽ làm giảm giá của chúng.

Trong trường hợp này, giá trị tài sản và dự trữ của chính Trung Quốc sẽ giảm đáng kể, đồng thời số tiền thu được từ việc bán chứng khoán cũng giảm mạnh.

Vấn đề thứ hai là việc bán phá giá trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của Bắc Kinh trong việc kiểm soát đồng Nhân dân tệ, nếu cuộc chiến thương mại “vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Vấn đề thứ ba là số tiền nhận được từ việc bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ phải được đầu tư vào đâu đó, mà điều này trong thời buổi hiện nay cũng không hề dễ dàng, Bắc Kinh khó có thể tìm thấy một thị trường tài chính khác an toàn hơn để đầu tư.

Cuối cùng, việc bán ra ồ ạt lượng trái phiếu lớn sẽ khiến đồng USD sụp đổ, mà điều này cũng không phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Bắc Kinh lâu nay ưa thích đồng Nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với giá trị thực, để tạo thuận lợi cho mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu, nên việc đồng USD suy yếu sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, giảm lượng xuất khẩu xuống mức cân bằng với nhập khẩu.

Điều này có nghĩa là thâm hụt thương mại Mỹ - Trung sẽ được loại bỏ, mà đây là một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng cần phải cân nhắc những hệ lụy gián tiếp mà nước này sẽ phải gánh chịu. Nếu điều này xảy ra, không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia khác cũng sẽ chịu hậu quả nặng nề và cuối cùng, nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ý kiến của chuyên gia Michael Ross-Johnson, CEO của Ngân hàng Chatex - dịch vụ trao đổi và lưu trữ tiền điện tử - việc hạ bệ “kim tự tháp” của trái phiếu Mỹ có nghĩa là đẩy cả thế giới vào tình trạng hỗn loạn tài chính, tồi tệ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng năm 1998 hay năm 2008.

Với những nguyên nhân trên, giới lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rằng, bán tháo trái phiếu Mỹ thực sự là một biện pháp cực đoan và chỉ được sử dụng trong “tình huống tuyệt vọng”, ví dụ như xảy ra xung đột quân sự.

Nếu tình hình vẫn chưa đến mức “tất cả về số 0”, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm những cách khác để gây áp lực lên Washington.

Nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc, giáo sư Xi Junyang từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cũng đồng ý rằng, quá trình từ bỏ đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ tiến hành theo từng giai đoạn, Trung Quốc sẽ giảm dần nắm giữ nợ công của Mỹ xuống còn khoảng 800 tỷ USD trong tình trạng bình thường.