10 ngàn tỷ đồng nợ thuế, khó thu nên xóa?
Hết hy vọng xoay xở thu được tiền nợ thuế cũng như tiền phạt chậm nộp của hàng ngàn doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa tính đến phương án xóa khoản tiền dự kiến lên tới 10.000 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa khoản tiền này sẽ “bay” khỏi dự toán thu.
Xóa nợ thuế 10.000 tỷ đồng
Thông tin từ Bộ Tài chính vừa cho hay, cơ quan này đã trình Chính phủ để trình lên Quốc hội đề nghị xóa nợ thuế với một số đối tượng. Theo đó, dự kiến sẽ có hàng ngàn doanh nghiệp được “thụ hưởng” chính sách này. “Qua theo dõi của cơ quan thuế, số tiền phạt nợ thuế của người nộp thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản không theo trình tự đến nay vào khoảng 10.000 tỷ đồng”, một lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.
Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, các văn bản đó chỉ tập trung gia hạn, miễn giảm thuế một số sắc thuế, chưa có cơ chế xử lý đối với tiền phạt chậm nộp tiền thuế. “Cơ quan thuế, hải quan đã phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm đối tượng và đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong thời gian dài, nhưng không đạt kết quả (không thể xác định được các đối tượng để thu). Đây là vấn đề tồn đọng lớn do Luật hiện hành chưa có cơ chế để giải quyết”, vị lãnh đạo trên khẳng định.
Tuy nhiên, để được xóa tiền phạt chậm nộp, Bộ Tài chính cũng lưu ý DN phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định: DN cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn vốn từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời. Hoặc trường hợp đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn tới người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp.
Quản lý thuế lỏng lẻo?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá cao giải pháp này của Bộ Tài chính trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông cho rằng, trong từng giai đoạn, nhà nước cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Thực tế hoạt động cho thấy bên cạnh số DN thành lập mới gia tăng, số lượng DN bỏ kinh doanh ngày càng tăng. “Xóa nợ nghĩa vụ thuế trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Long nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đặt ngược vấn đề rằng, đề xuất này cho thấy các ban, ngành quản lý, trong đó có ngành thuế, đã có sự quản lý lỏng lẻo. “Quản lý chưa tốt nên tạo ra số nợ thuế lớn không thu được và cũng không biết DN ở đâu, đang hoạt động như thế nào để thu kịp thời khiến họ bỏ trốn”, ông Long nói. Ngoài ra, vị này phân tích thêm, việc xóa nợ thuế sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, trong bối cảnh căng thẳng về nguồn thu. “Vì thế, ngành thuế cần xem lại cách điều hành, tránh rơi vào tình trạng gây thất thu cho ngân sách”, ông Long nói.
Theo số liệu ngân sách Bộ Tài chính công bố ngày 10/9, thu ngân sách hết tháng 8 ước đạt 618,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 459,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,9% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Bộ Tài chính thừa nhận do giá dầu giảm mạnh (bình quân gần 60 USD/thùng, giảm trên 40%/thùng so với dự toán), nên số thu từ dầu thô đạt thấp cả về tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ tăng thu từ thuế bảo vệ tài nguyên và một số khoản thuế khác, nên đã đảm bảo thu khá theo dự toán.
Trong tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế có kiến nghị xóa khoản tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế cho 2 loại đối tượng: Doanh nghiệp (DN) có các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013 gặp khó khăn khách quan và đã nộp nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015; Người nộp thuế (cá nhân, hộ gia đình, DN nhà nước) nợ thuế đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản không đúng quy trình và không thể xác minh.
Theo Tuấn Đức
Tiền Phong