1 lít xăng gánh tới 8.000 đồng thuế môi trường: Tăng rồi tiền để làm gì?

Vừa đưa ra lấy ý kiến, dự thảo nới khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính trong đó có đề xuất tăng thuế với xăng dầu lên mức 3.000 -8.000 đồng/lít đã trở thành đề tài nóng và nhiều người đặt câu hỏi tăng thuế rồi tiền thu được sẽ bảo vệ môi trường thế nào?

Bên cạnh những ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế khi tăng thuế áp với mặt hàng xăng dầu, một câu hỏi được nhiều chuyên gia và người dân đặt ra là tiền thu được nhờ tăng thuế dùng để làm gì?

Về lý thuyết thuế bảo vệ môi trường sẽ phải dùng để bảo vệ môi trường nhưng chuyên gia môi trường Đào Trọng Tứ cho rằng câu chuyện này đang không thật rành mạch.

“Cần phải rành mạch câu chuyện tăng thuế môi trường cho mặt hàng xăng thì để làm gì? Mặt hàng xăng dầu đang gây ảnh hưởng cho môi trường không khí, vấn đề phát thải nhưng hiện nay có giải pháp nào bảo vệ môi trường không khí ngoài chuyện hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển cá nhân”, Chuyên gia này phân tích.

Ông cho rằng Bộ Tài chính cần làm rõ việc một năm sẽ thu được bao nhiêu tiền từ thuế bảo vệ môi trường và tiền đó dùng làm gì để cải thiện môi trường đồng thời “phải đánh giá một cách chi tiết chứ không thể nói suông là tăng thuế để bảo vệ môi trường vì như thế rất vô lý dù nguyên tắc trong bảo vệ môi trường, người xả thải phải trả tiền”.

Liên quan tới vấn đề này, dư luận từng đặt câu hỏi quanh chuyện chênh lệch thu chi trong vấn đề môi trường. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm, từ năm 2012 đến 2016 (tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 đạt 40.168 tỉ đồng) chiếm tỉ trọng 1,5%-4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỉ trọng 0,3%- 0,9% trên GDP hằng năm. Trong khi đó, năm 2010, tổng chi sự nghiệp môi trường là 6.200 tỉ đồng, năm 2011 chi 7.600 tỉ đồng, năm 2012 tăng lên 9.000 tỉ. Đến năm 2014, tổng chi sự nghiệp môi trường là gần 10 ngàn tỉ đồng và năm 2015 là hơn 11 ngàn tỉ đồng còn số chi năm 2016 khoảng 12.200 tỉ đồng.

“Chưa bàn về chuyện hiệu quả trong sử dụng, riêng việc chênh lệch thu chi nói trên cũng là vấn đề cần xem xét, nhất là khi thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng xăng dầu chỉ là một phần trong nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường”, một chuyên gia khác về môi trường bình luận.

Theo Khánh Hoà
Lao động